Cứ tố lên trên cho chúng nó sợ

Nhà lão Tố nằm ở rìa làng, gần bến sông, ngay sát con đường liên huyện. Một cây cầu xây bắc qua sông cũng được xây cạnh nhà lão. Ngoài làm nông, vợ chồng lão có dựng cái quán nước nhỏ để bán cho dân trong làng, nhưng không ăn thua. Mấy năm nay, thịt trâu bò lên giá. Lão xoay xở mua trâu bò về nuôi, gây giống, cuối cùng cũng có gần chục con trâu, bò. Thu nhập cũng khá ổn.

       Lão vốn có một số khúc mắc với chính quyền xã từ xưa, lúc người ta chia ruộng đất, vợ chồng lão được chia mấy sào ruộng vừa xa đồng bãi vừa xấu. Lão nghĩ vì là dân ngụ cư nên bị mấy người ở làng, ở xã bắt nạt. Lão cũng từng rượu say khi đi đám trong làng, đánh nhau, rồi kiện tụng, chả hiểu sao, lỗi bao giờ cũng là của lão cả. Lão nghĩ chắc chắn bởi lão chả có anh em gì trong làng, nên chả có ai bênh, thành ra lão phải chịu thiệt. Nhưng lão chả dám oán người làng. Thế là lão oán mấy ông ở xã, bảo là cầm cân nảy mực, xử lý công bằng mà để lão thiệt đơn thiệt kép.

          Trong cái năm này đây, bao nhiêu chuyện không hay đường như cứ nhè nhà lão mà đổ xuống. Đường qua nhà lão ngày xưa vẫn được tính là tấp nập, nay dân đông còn tấp nập hơn nữa, phương tiện giao thông cũng nhiều. Đầu năm, xã bắt lão dỡ cái quán nước vì cản trở tầm nhìn giao thông của người đi qua cầu. Dỡ quán, lão tưởng được đền ít tiền, ai dè, chỗ đất lão mở quán, xã bảo ngày xưa nguyên là đất đê của làng, lão lấn chiếm xây quán, nên không được đền bù. Chỗ đất quán của lão, sau đó, xã lát xi măng và cắm biển báo giao thông. Mùa gặt, lão phơi rơm, phơi thóc cả trên đường, xã lại xuống nhắc nhở nhà lão và mấy hộ xung quanh là việc tuốt lúa, phơi rơm, thóc trên đường giao thông gây cản trở và mất an toàn cho người tham gia giao thông và cấm, không cho phơi nữa.

           Đàn trâu bò nhà lão thả ở triền đê, không biết ai phản ánh lên xã mà xã cho người xuống nhắc nhở không cho lão thả rông trâu bò vì gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông. Nhưng lão để ngoài tai tất. Con trâu con bò to đùng thế, xe thấy thì phải tránh, đâm vào trâu bò nhà lão, lão còn bắt đền tiền ấy chứ.

           Một tối nọ, lão buộc con bò vào cột biển báo giao thông để sớm mai lão lái trâu hẹn qua lấy con bò về thịt, hình như xã bên có đám cưới. Khuya hôm ấy, thằng Môn con ông Chủ tịch xã đi đâu về qua cầu. Trời tối, không phát hiện ra con bò buộc ở đấy, thế là đâm xe vào con bò, ngã té gãy chân. Công an xã gọi lão lên làm việc. Con bò của lão cũng bị bắt “tạm giam”. Người ta bắt lão phải đền bù thiệt hại và chịu trách nhiệm vì lỗi con bò gây ra theo quy định của Bộ luật dân sự về việc bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra. Oan quá, lão có thả rông trâu bò đâu, tự nó đâm, tự nó chịu chứ. Con bò nhà lão cũng gẫy chân, lão chưa bắt đền thì thôi. Cả xã đều bảo lão phải đền tiền. Lão lái trâu biết chuyện bảo, nó là con Chủ tịch xã nên ai chả bênh. Muốn đòi công bằng, phải tố cáo lên huyện. Tố lên trên thì chúng nó mới sợ. Đã thế thì lão không nhịn nữa. Lão phải tố cáo lên huyện. Lão lái trâu xem chừng có biết luật pháp lại nhỏ to, muốn tố cáo, phải có hành vi vi phạm pháp luật.

- Biết là trên xã ép uổng tôi, vì tôi thấp cổ bé họng, nhưng tố cáo thì tố cáo tội trạng gì.

- Tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi” (Điều 281 Bộ luật Hình sự), đây là tội tham nhũng đấy. Rõ ràng con nó có lỗi, nó lại đi đổ lỗi cho mình, bắt mình đền bù.

- Cụ thể tội ấy ra làm sao?

- Theo quy định của luật, tức là việc cá nhân vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.

- Nhưng lên huyện thì tố cáo với ai?

- Cứ tố lên Chủ tịch huyện chứ còn ai nữa.

        Lão hăm hở lên huyện, hỏi thì được chỉ ra Phòng tiếp công dân. Lão đến sớm nên vào bàn ngồi luôn. Chị cán bộ tiếp công dân hỏi, lão lên đây có việc gì. Lão bảo lão lên tố cáo mấy tay ở xã. Nghe thế chị cán bộ bật cười, nhìn điệu bộ hung hăng của lão, đọc qua đơn tố cáo của lão, chị bảo:

- Bác ơi, bác tố cáo ai thì phải đưa đơn đúng nơi, chứ không có nghĩa cứ tố cáo người ở xã thì lên huyện đâu bác ạ. Nếu tố cáo vượt cấp thì chúng cháu không xử lý đâu.

- Thế tố cáo Chủ tịch xã thì sao?

- Tố cáo Chủ tịch xã thì thẩm quyền giải quyết đúng là của Chủ tịch huyện. Nhưng tố cáo công an xã thì thẩm quyền lại là của Chủ tịch xã.

- Tố cáo với Chủ tịch xã, mấy lão ấy bao che cho nhau, tố làm sao được mà tố.

             - Pháp luật có quy định rõ về thẩm quyền giải quyết tố cáo. Đây bác ạ, về nguyên tắc thì tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức do người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức đó giải quyết. Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức do người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức đó giải quyết (Khoản 1 Điều 12 Luật tố cáo); về thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong cơ quan hành chính nhà nước thì :  1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức do mình quản lý trực tiếp. 2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh  có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện và cán bộ, công chức do mình bổ nhiệm, quản lý trực tiếp(Khoản 1 và Khoản 2 Điều 13 Luật tố cáo năm 2011).

           Lão Tố nghe xong quay ra bảo:

- Thế thì tôi tố cáo Chủ tịch xã tôi. 

- Những gì trong đơn bác viết có phải sự thật không?

- Chả nhẽ cô bảo tôi bịa chuyện.

- Không bác ạ, cháu hỏi hoàn toàn vì lý do thủ tục thôi ạ. Theo quy định của Luật phòng, chống tham nhũng thì công dân có quyền tố cáo hành vi tham nhũng với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền (Khoản 1 Điều 64 Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005).

- Thì tôi tố ở huyện là đúng còn gì.

- Vâng. Đồng thời luật cũng quy định, người tố cáo phải tố cáo trung thực, nêu rõ họ, tên, địa chỉ, cung cấp thông tin, tài liệu mà mình có và hợp tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tố cáo. Người tố cáo mà cố tình tố cáo sai sự thật phải bị xử lý nghiêm minh, nếu gây thiệt hại cho người bị tố cáo thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. (Khoản 2 và Khoản 3 Điều 64 Luật phòng, chống tham nhũng 2005).

- Tôi cam đoan với cô tất cả đều đúng sự thật. Nhưng huyện sẽ giải quyết thế nào?

- Không phải bác cứ cam đoan là được đâu. Bác phải có chứng cứ chứng minh nữa. Chúng cháu còn phải xác minh sự việc cụ thể đã mới trả lời bác được. Bác để đơn ở đây, chúng cháu sẽ tiếp nhận đơn. Bác để địa chỉ lại đây. Khi nào có kết quả xử lý, cháu sẽ thông báo lại cho bác.

           Điều tra, xác minh thế nào, lão cũng không rõ, nhưng kết luận cuối cùng là nội dung tố cáo của lão là thiếu căn cứ. Thế là đình chỉ điều tra. Nghe mấy anh công an huyện nói thì lão mới vớ lẽ là lão sai, sai thật. Đáng ra không nên để cho tự ái từ xưa làm mờ mắt, cũng không nên nghe lời thằng lái trâu làm gì. Vợ lão còn bảo, không khéo người ta bảo mình vu khống thì có phải tai bay vạ gió không. Lão cũng chột dạ thật.

           Hôm lên làm việc với huyện, ông Chủ tịch xã bảo:

         - Tôi làm việc đúng pháp luật. Đã nhắc nhở anh Tố mấy lần không nên thả rông trâu bò mà anh ấy không nghe. Vụ việc tai nạn là điều không ai muốn, nhưng không phải vì người bị tai nạn là con tôi mà tôi xử nặng anh Tố. Ai bị tai nạn trong trường hợp đó, tôi cũng sẽ xử lý như vậy cả. Anh Tố hiểu lầm tôi, nên làm đơn tố cáo. Giờ anh ấy cũng đã hiểu được tôi không có ác ý gì cả. Thế là tôi vui rồi.

       Lão Tố nghe thế mở lòng mở dạ, chịu đền bù thiệt hại cho thằng Môn. Xã cũng trả lại con bò cho lão. Thế là ổn thỏa cả.

Hữu Dũng - Theo trang Thông tin BTP

Các bài đã đăng