ĐỪNG NHẸ DẠ CẢ TIN

Đất trời đã chuyển mình vào cuối thu rồi mà cánh rừng biên giới mùa này vẫn còn nắng gắt. Ánh nắng chiều tà nơi đây hắt lên những tia sáng nhàn nhạt ẩn nấp sau từng tán cây, xuyên qua từng kẽ lá và dệt thành những tấm lưới lốm đốm vàng bao phủ cả cánh rừng. Nắng chiều từ từ phủ lấy bóng dáng đầy mệt mỏi của người phụ nữ. Đó là Mằng.

           Cô được bà khách lạ thuê đi sang biên giới lấy đồ với một số tiền công hậu hĩnh, thừa đủ để cô có thể mua thuốc cho đứa con trai đang bị ốm và mua thêm ít gạo cho cả nhà.

          Cô đã đi bộ một mình suốt vài tiếng trong rừng và dường như đã thấm mệt. Nắng chiếu rọi vào một bên má của Mằng khiến cô cảm thấy nóng rát. Cô hạ chiếc gùi trên vai xuống và tựa lưng vào phiến đá ven đường để nghỉ. Việc đi rừng đối với cô hay bất cứ người dân nào trong bản chỉ là chuyện thường tình. Cứ đến mùa là dân bản lại vào rừng hái nấm, hái thuốc, chặt măng hay kiếm củi… Những thứ đó được lượm về để gia đình sử dụng hoặc họ có thể đem xuống chợ bán lấy tiền mua các vật dụng khác. Thu nhập chẳng được là bao nhưng đó là việc thường ngày trong cuộc sống của họ. Lần này, Mằng vào rừng không phải để làm những công việc đó mà cô có một việc làm thêm nghe có vẻ đơn giản nhưng lại kiếm được nhiều tiền. Và cô muốn làm để có thêm thu nhập cho gia đình vốn nghèo khó của mình.

          Một cơn gió nhẹ của buổi chiều tà thoảng qua cánh rừng. Mằng đang dần chìm vào giấc ngủ với những dòng suy nghĩ miên man trong đầu về cái tổ ấm nhỏ bé của mình. Tiếng lá cây xào xạc bên tai khiến cô tỉnh giấc. Cô chợt nhớ đến cuộc hẹn với người khách lạ. Lấy tay gạt đi những giọt mồ hôi còn vương trên trán, xốc chiếc gùi lên vai, cô đứng dậy, nhanh chóng vượt ra khỏi cánh rừng. Trời đã xế bóng rồi. Cô lội qua khe suối nhỏ, tiến dần về phía con đường mòn quen thuộc dẫn vào bản. Người khách lạ đã dặn là sẽ đợi cô ở đầu bản để nhận gói hàng và trả tiền công cho cô. Bỗng cô thấy nhớ con trai quá. Nó đang ốm ở nhà và chờ cô mang thuốc về.

          Hôm trước, đứa con trai mới 2 tuổi của Mằng bị ốm. Trong nhà chẳng còn tiền mua thuốc, cô phải đem mấy cái khăn thêu xuống chợ bán. Nếu may mắn gặp được khách du lịch họ mua cho thì cũng được vài chục ngàn. Chợ ngày thường nên cũng không đông lắm. Vừa dải khăn ra được một lúc thì có một bà khách đến hỏi. Bà ta cũng có dáng vẻ là dân buôn bán nhưng ở nơi khác đến. Bà ta mua hết số khăn thêu của Mằng, lại còn trả đến cả trăm ngàn. Mằng phấn khởi lắm. Bà ta nói là người dưới xuôi lên, thấy Mằng thật thà, nhanh nhẹn, lại ở bản sát biên nên muốn nhờ Mằng sang bên kia biên giới cầm hộ gói hàng mà người thân gửi cho bà ta. Mằng còn đang phân vân, do dự thì bà ta bảo sở dĩ không tự đi lấy được vì không thông thạo đường xá nơi này, bảo Mằng chỉ cần qua bên kia biên giới là sẽ có người thân của bà đợi sẵn trao hàng. Bà ta hứa khi nào xong việc sẽ trả cho Mằng năm trăm ngàn. Bà ta nói vì thấy hoàn cảnh Mằng khó khăn nên muốn giúp, chứ với số tiền đó thì bà thuê ai mà chẳng được. Đối với Mằng, số tiền đó rất lớn. Mằng nghĩ, mình chỉ làm một việc đơn giản như vậy mà lại được nhiều tiền thế. Mằng lại càng vui hơn. Nếu có số tiền đó cộng với số tiền vừa bán khăn, Mằng có thể mua thuốc và  mua cho con nhiều thứ, lại còn có thể mua gạo, mua cho mẹ và cho mình cái váy mới nữa… Với ý nghĩ như thế, Mằng vui vẻ nhận lời ngay vì đúng như lời bà khách nói thì số tiền công lớn đó sẽ có thể thuê bất cứ ai ở nơi đây. Hơn nữa, Mằng nghĩ mình chỉ mang hộ bà ta gói hàng thôi chứ không làm điều gì sai cả. Mằng muốn làm luôn để có tiền.

          Sáng nay, thằng bé vẫn còn sốt lắm, nhưng vì đã nhận lời với bà khách nên Mằng đành để con ở nhà cho mẹ trông. Mằng đeo chiếc gùi lên lưng, không quên gài thêm con dao và hi vọng trên đường đi sẽ lượm được một vài cây măng rừng. Vì đã thông thạo đường nên Mằng nhanh chóng vượt rừng qua biên giới lấy được gói hàng nhưng cũng mất đến nửa ngày trời. Và giờ chỉ việc mang hàng về cho bà khách rồi nhận tiền. Vừa đi, Mằng vừa nhớ con. Bất chợt, Mằng nghĩ đến người chồng bội bạc mà thấy bực quá. Anh ta đã bỏ mặc Mằng và đứa con thơ dại để đi theo người đàn bà khác nhiều tiền hơn, đã hơn nửa năm rồi mà vẫn chưa thấy về. Không biết anh ta có còn nhớ đến mẹ con Mằng nữa không?

          Đang suy nghĩ lan man, chợt có tiếng quát lớn đằng sau khiến Mằng giật mình. Ngoảnh lại, cô thấy trước mặt mình là hai anh bộ đội biên phòng. Mằng còn chưa biết đang có chuyện gì xảy ra thì họ nói rằng Mằng vừa đi qua biên giới trái phép. Họ đề nghị Mằng cho xem giấy tờ tùy thân và cho kiểm tra hàng hóa. Mằng nói Mằng không có giấy tờ nào cả và Mằng là người dân của bản này. Trong chiếc gùi Mằng đeo trên lưng chỉ có vài cây măng mà Mằng mới chặt được, một ít rau quả và gói hàng nhỏ mà Mằng mang từ bên kia biên giới về hộ một bà khách lạ. Khi hai anh bộ đội mở gói hàng ra, Mằng sững sờ khi nghe họ nói đó là Hêrôin, là hàng cấm và mời Mằng về Đồn biên phòng để giải quyết.

          Mằng sợ hãi. Đây là lần đầu tiên Mằng bị mời lên Đồn. Trong đầu, Mằng biết rằng chỉ có những người vi phạm pháp luật thì mới bị lên Đồn. Mằng cảm thấy hoang mang quá. Ngồi trong Đồn, Mằng nước mắt ngắn, nước mắt dài kể lại tất cả mọi chuyện đã xảy ra, từ việc gặp bà khách thế nào cho đến việc được bà ta thuyết phục đi lấy hàng hộ với một số tiên công hậu hĩnh là năm trăm ngàn. Nghe các anh bộ đội biên phòng phân tích, Mằng mới hiểu được việc mình làm đã vi phạm pháp luật. Thứ nhất là vi phạm quy định về biên giới quốc gia như: qua lại biên giới không có giấy tờ theo quy định của pháp luật, không đúng các điểm quy định dành cho việc qua lại biên giới, vận chuyển hàng cấm qua biên giới. Thứ hai, Mằng còn có thể phạm vào tội vận chuyển trái phép chất ma túy được quy định trong Bộ luật Hình sự. Theo quy định này thì tùy tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, người phạm tội có thể bị phạt tù với mức thấp nhất là hai năm, cao nhất là chung thân, có thể bị tử hình... Tuy nhiên, trong trường hợp này, việc Mằng có phạm tội hay không thì sẽ còn do cơ quan điều tra có thẩm quyền làm rõ trên cơ sở xem xét các hành vi của Mằng.

          Mằng ngồi nghe mà giật mình thon thót, có lẽ nào mình đã vi phạm pháp luật rồi. Thực sự, Mằng không cố ý làm như thế. Các anh bộ độ nói do nhận thức pháp luật kém, thiếu hiểu biết, cuộc sống khó khăn mà một bộ phận người dân sống dọc biên giới như Mằng đã bị kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo và vô tình trở thành người vận chuyển thuê ma túy cho chúng. Tiền công mà chúng trả cho những người như Mằng quá rẻ mạt, nhưng hậu quả mà chúng gây ra thì lại khôn lường. Mằng thấy các anh bộ đội nói rất đúng. Chỉ vì nhận thức kém, lại cả tin và cần đồng tiền trước mắt mà Mằng  đã tiếp tay cho kẻ xấu mà hậu quả là có thể bị đi tù. Mằng thấy mình thật tội lỗi.

          Nhưng các anh bộ đội tốt bụng đã cho Mằng một cơ hội sửa sai. Mằng vui lắm. Đó là một tia hy vọng lớn lao đối với Mằng. Các anh đề nghị Mằng vẫn đến chỗ hẹn cũ, trao gói hàng cho người đàn bà kia để giúp các anh tóm gọn kẻ xấu. Mằng đã làm theo đúng kế hoạch mà các anh đã vạch ra. Mằng mong muốn được lấy công chuộc tội, giúp bộ đội biên phòng bắt những kẻ buôn bán ma túy. Bà ta đã bị bắt và sẽ bị trừng phạt trước pháp luật.

          Vậy là được sự giúp đỡ nhiệt tình và ân cần của các anh bộ đội biên phòng, Mằng đã ngăn chặn được một việc làm xấu có thể gây nên hậu quả nghiêm trọng đối với xã hội. Mằng hy vọng sẽ không còn ai phải rơi vào hoàn cảnh éo le như Mằng hôm nay, để vùng đất biên giới này được bình yên và no ấm như lời các anh nói. Mằng cảm thấy ấm áp và nhẹ lòng hơn. Mằng muốn nhanh chóng được về nhà để gặp con và tự nhủ sẽ không bao giờ được nhẹ dạ cả tin như vậy nữa.

Cao Nhung