GIỚI THIỆU ĐIỂM MỚI CỦA LUẬT HÔN NHÂN GIA ĐÌNH 2014

Vừa qua Quốc hội nước ta chính thức ban hành Luật Hôn nhân và Gia đình mới (năm 2014) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015 thay thế cho Luật Hôn nhân và Gia đình hiện hành có hiệu lực từ năm 2000. Đây là bước tiến dài trong tư duy lập pháp Việt Nam để điều chỉnh một nhóm quan hệ xã hội rộng lớn, nhạy cảm và “thuần Việt” của Người Việt.

ThS. Lưu Bình Dương

Trưởng bộ môn Luật

 

             Lời tòa soạn: Vừa qua Quốc hội nước ta chính thức ban hành Luật Hôn nhân và Gia đình mới (năm 2014) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015 thay thế cho Luật Hôn nhân và Gia đình hiện hành có hiệu lực từ năm 2000. Đây là bước tiến dài trong tư duy lập pháp Việt Nam để điều chỉnh một nhóm quan hệ xã hội rộng lớn, nhạy cảm và “thuần Việt” của Người Việt. Luật mới ngoài việc kế thừa những thành quả của luật cũ đã ghi nhận nhiều quy định mới, nhân văn, sâu sắc và ngạy cảm. Đồng thời cũng chấm dứt nhiều tranh luận xung quanh nhiều vấn đề nảy sinh trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình mà xã hội đương đại Việt Nam hội nhập gặp phải cần phải có định hướng điều chỉnh như: hôn nhân đồng giới, mang thai hộ, chung sống với nhau như vợ chồng của nam nữ mà không muốn đăng ký kết hôn... Có người bằng lòng, có người chưa hài lòng song công lý ở giai đoạn lịch sử nào cũng có điểm dừng nhất định. Từ ngày 01/01/2015 Luật Hôn nhân và Gia đình mới được thi hành, có phạm vi điều chỉnh, chính thức mọi quan hệ xã hội sẽ có tính bắt buộc và sẽ là công cụ điều chỉnh các quan hệ xã hội về lĩnh vực hôn nhân và gia đình. Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn pháp luật xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc, sinh viên những điểm mới của Luật hôn nhân và Gia đình năm 2015 theo phương pháp thống kê. Trong thời gian tới sẽ bình luận cụ thể từng điểm mới của Luật.

(i) Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở Điều 1 Luật 2000. Theo đó, quy định ngắn gọn, xúc tích về phạm vi điều chỉnh, bỏ phần nhiệm vụ trong Luật 2000 (nội dung này được lồng ghép vào những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân & gia đình).

(ii) Điều 2. Những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân & gia đình

Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở Điều 2 Luật 2000. Theo đó, về cơ bản giữ các nguyên tắc của Luật 2000, bổ sung nguyên tắc “xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ hạnh phúc”, “kế thừa phát huy truyền thống văn hóa, đạo đức tốt đẹp của dân tộc Việt Nam về hôn nhân & gia đình”.

Luật 2014 bỏ nguyên tắc: “Vợ chồng có nghĩa vụ thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình”.

(iii) Điều 3. Giải thích từ ngữ

Điều này được sửa đổi bổ sung trên cơ sở Điều 8 Luật 2000. Theo đó, bổ sung thêm các từ ngữ mới như sau:

- Tập quán hôn nhân & gia đình (khoản 4).

- Chung sống như vợ chồng (khoản 7).

- Cản trở kết hôn, ly hôn (khoản 10).

- Kết hôn giả tạo (khoản 11).

- Yêu sách của cải trong kết hôn (khoản 12).

- Ly hôn giả tạo (khoản 15).

- Thành viên gia đình (khoản 16).

- Người thân thích (khoản 19).

- Nhu cầu thiết yếu (khoản 20).

- Sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản (khoản 21).

- Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo (khoản 22).

- Mang thai hộ vì mục đích thương mại (khoản 23).

(iv) Điều 4. Trách nhiệm của Nhà nước và xã hội đối với hôn nhân & gia đình

Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều 3 Luật 2000. Theo đó, về cơ bản nội dung cũ được giữ nguyên, chỉ sắp xếp lại về mặt hình thức câu chữ.

(v) Điều 5. Bảo vệ chế độ hôn nhân & gia đình

Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở Điều 4 Luật 2000. Theo đó, về cơ bản nội dung cũ được giữ nguyên và bổ sung các hành vi cấm sau:

- Thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, mang thai hộ vì mục đích thương mại, lựa chọn giới tính thai nhi, sinh sản vô tính.

- Lợi dụng việc thực hiện quyền hôn nhân & gia đình để mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục hoặc có hành vi khác nhằm mục đích trục lợi.

Đồng thời bổ sung quy định: “Danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật đời tư và các quyền riêng tư khác của các bên được tôn trọng, bảo vệ trong quá trình giải quyết vụ việc về hôn nhân & gia đình.

(vi) Điều 6. Áp dụng quy định của Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan

Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở Điều 5 Luật 2000. Theo đó, về cơ bản nội dung cũ được giữ nguyên chỉ sửa đổi “luật về hôn nhân và gia đình” thành “Luật này”.

(vii) Điều 7. Áp dụng tập quán về hôn nhân & gia đình

Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở Điều 6 Luật 2000. Theo đó, bổ sung quy định: “Chính phủ quy định chi tiết về vấn đề này” – Như vậy, nội dung này sẽ được hướng dẫn cụ thể bởi văn bản pháp luật từ Chính phủ.

(viii) Điều 8. Điều kiện kết hôn

Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều Điều 9 & 10 Luật 2000. Theo đó, độ tuổi kết hôn đối với nữ là từ đủ 18 tuổi (Luật 2000 là từ 18 tuổi), nam là từ đủ 20 tuổi (Luật 2000 là từ 20 tuổi).

Luật 2000 cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính, Luật 2014 sửa đổi thành: “Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính”.

(ix) Điều 9. Đăng ký kết hôn

Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều 11 Luật 2000. Theo đó, điều này được quy định ngắn gọn lại và bỏ nội dung “Chính phủ quy định việc đăng ký kết hôn ở vùng sâu, vùng xa”. Như vậy, việc đăng ký kết được thống nhất trên toàn quốc.

(x) Điều 10. Người có quyền yêu cầu việc hủy kết hôn trái pháp luật

Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều 15 Luật 2000. Theo đó, cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền tự mình yêu cầu Toà án hoặc đề nghị Viện kiểm sát yêu cầu Toà án hủy việc kết hôn trái pháp luật được bổ sung thêm:

- Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình.

- Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em.

“Thay thế” cho Ủy ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em.

(xi) Điều 11. Xử lý việc kết hôn trái pháp luật

Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều 16 Luật 2000. Theo đó, quy định chi tiết và rõ ràng hơn Luật 2000. Đồng thời bổ sung một khoản: “Tòa án nhân dân tối cao chủ trì phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ tư pháp phối hợp thực hiện điều này”.

Như vậy, sẽ có văn bản hướng dẫn chi tiết về nội dung này.

(xii) Điều 12. Hậu quả pháp lý của việc hủy kết hôn trái pháp luật

Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều 17 Luật 2000. Theo đó, về cơ bản nội dung này được giữ nguyên nhưng chỉnh sửa về mặt hình thức câu chữ. Ngoài việc, quy định giải quyết quyền lợi của các con thì Luật 2014 còn quy định “giải quyết quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con”.

(xiii) Điều 13. Xử lý việc đăng ký kết hôn không đúng thẩm quyền

Đây là điều luật mới. Theo đó, quy định như sau:

Trong trường hợp việc đăng ký kết hôn không đúng thẩm quyền thì khi có yêu cầu, cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi, hủy bỏ giấy chứng nhận kết hôn theo quy định của pháp luật về hộ tịch và yêu cầu hai bên thực hiện lại việc đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trong trường hợp này, quan hệ hôn nhân được xác lập từ ngày đăng ký kết hôn trước.

(xiv) Điều 14. Giải quyết hậu quả của việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn

Đây là điều luật mới. Theo đó, quy định như sau:

1. Nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Quyền, nghĩa vụ đối với con, tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật này.

2. Trong trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng theo quy định tại khoản 1 Điều này nhưng sau đó thực hiện việc đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật thì quan hệ hôn nhân được xác lập từ thời điểm đăng ký kết hôn.

(xv) Điều 15. Quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con trong trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn

Đây là điều luật mới. Theo đó, quy định như sau:

Quyền, nghĩa vụ giữa nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng và con được giải quyết theo quy định của Luật này về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con.

(xvi) Điều 16. Giải quyết quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn

Đây là điều luật mới. Theo đó, quy định như sau:

1. Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên; trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập.

(xvii) Điều 17. Bình đẳng về quyền, nghĩa vụ giữa vợ, chồng

Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều 19 của Luật 2000. Theo đó, bổ sung đoạn “trong việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của công dân được quy định trong Hiến pháp, Luật này và các luật khác có liên quan”.

(xviii) Điều 18. Bảo vệ quyền, nghĩa vụ về nhân thân của vợ, chồng

Đây là điều luật mới. Theo đó, quy định như sau:

Quyền, nghĩa vụ về nhân thân của vợ, chồng quy định tại Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan được tôn trọng và bảo vệ.

(xix) Điều 19. Tình nghĩa vợ chồng

Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều điều 18 của Luật 2000. Theo đó, bổ sung nội dung sau: “Vợ chồng có nghĩa vụ sống chung với nhau, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc do yêu cầu của nghề nghiệp, công tác, học tập, tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và lý do chính đáng khác”.

(xx) Điều 20. Lựa chọn nơi cư trú của vợ chồng

Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều 20 của Luật 2000. Về cơ bản nội dung này được giữ nguyên và bổ sung thêm từ “thỏa thuận” trong việc lựa chọn nơi cư trú của vợ chồng.

(xxi) Điều 21. Tôn trọng danh dự, nhân phẩm, uy tín của vợ, chồng

Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều 21 của Luật 2000. Theo đó, bỏ quy định “Cấm vợ, chồng có hành vi ngược đãi, hành hạ, xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của nhau” bởi khoản 1 đã bao hàm nội dung này.

(xxii) Điều 22. Tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của vợ, chồng

Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều 22 của Luật 2000. Theo đó, bỏ nội dung “không được cưỡng ép, cản trở nhau theo hoặc không theo một tôn giáo nào” bởi quy định “Vợ, chồng có nghĩa vụ tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhau” đã bao hàm nội dung trên.

(xxiii) Điều 23. Quyền, nghĩa vụ về học tập, làm việc, tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội

Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều 23 Luật 2000. Về cơ bản nội dung này được giữ nguyên và chỉnh sửa lại như sau:

“Vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ tạo điều kiện, giúp đỡ nhau chọn nghề nghiệp; học tập, nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ; tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội”.

(xxiv) Điều 24. Căn cứ xác lập đại diện giữa vợ và chồng

Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều 24 của Luật 2000. Về cơ bản nội dung được giữ nguyên nhưng thay đổi về cách trình bày câu chữ, ví dụ thêm nội dung mới “…xác định theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan”.

(xxv) Điều 25. Đại diện giữa vợ và chồng trong quan hệ kinh doanh

Đây là điều luật mới. Theo đó, quy định như sau:

“1. Trong trường hợp vợ, chồng kinh doanh chung thì vợ, chồng trực tiếp tham gia quan hệ kinh doanh là người đại diện hợp pháp của nhau trong quan hệ kinh doanh đó, trừ trường hợp trước khi tham gia quan hệ kinh doanh, vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc Luật này và các luật liên quan có quy định khác.

2. Trong trường hợp vợ, chồng đưa tài sản chung vào kinh doanh thì áp dụng quy định tại Điều 36 của Luật này”.

(xxvi) Điều 26. Đại diện giữa vợ và chồng trong trường hợp giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng đối với tài sản chung nhưng chỉ ghi tên vợ hoặc chồng

Đây là điều luật mới. Theo đó, quy định như sau:

“1. Việc đại diện giữa vợ và chồng trong việc xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch liên quan đến tài sản chung có giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng tài sản chỉ ghi tên vợ hoặc chồng được thực hiện theo quy định tại Điều 24 và Điều 25 của Luật này.

2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng có tên trên giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng tài sản tự mình xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch với người thứ ba trái với quy định về đại diện giữa vợ và chồng của Luật này thì giao dịch đó vô hiệu, trừ trường hợp theo quy định của pháp luật mà người thứ ba ngay tình được bảo vệ quyền lợi”.

(xxvii) Điều 27. Trách nhiệm liên đới của vợ, chồng

Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều 25 Luật 2000. Theo đó, phạm vi chịu trách nhiệm liên đới mở rộng hơn Luật 2000.

(xxviii) Điều 28. Áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng

Đây là điều luật mới mang tính “quy định chung” trong mục chế độ tài sản của vợ chồng. Theo đó, Chính phủ sẽ quy định chi tiết về điều luật này.

(xxix) Điều 29. Nguyên tắc chung về chế độ tài sản của vợ chồng

Đây là điều luật mới. Theo đó, quy định như sau:

 “1. Vợ, chồng bình đẳng với nhau về quyền, nghĩa vụ trong việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; không phân biệt giữa lao động trong gia đình và lao động có thu nhập.

2. Vợ, chồng có nghĩa vụ bảo đảm điều kiện để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình.

3. Việc thực hiện quyền, nghĩa vụ về tài sản của vợ chồng mà xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, chồng, gia đình và của người khác thì phải bồi thường”.

(xxx) Điều 30. Quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng trong việc đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình

Đây là điều luật mới. Theo đó, quy định như sau:

“1. Vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ thực hiện giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình.

2. Trong trường hợp vợ chồng không có tài sản chung hoặc tài sản chung không đủ để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì vợ, chồng có nghĩa vụ đóng góp tài sản riêng theo khả năng kinh tế của mỗi bên”.

(xxxi) Điều 31. Giao dịch liên quan đến nhà là nơi ở duy nhất của vợ chồng

Đây là điều luật mới. Theo đó, quy định như sau:

“Việc xác lập, thực hiện, chấm dứt các giao dịch liên quan đến nhà là nơi ở duy nhất của vợ chồng phải có sự thỏa thuận của vợ chồng. Trong trường hợp nhà ở thuộc sở hữu riêng của vợ hoặc chồng thì chủ sở hữu có quyền xác lập, thực hiện, chấm dứt giao dịch liên quan đến tài sản đó nhưng phải bảo đảm chỗ ở cho vợ chồng”.

(xxxii) Điều 32. Giao dịch với người thứ ba ngay tình liên quan đến tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán và động sản khác mà theo quy định của pháp luật không phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng

“1. Trong giao dịch với người thứ ba ngay tình thì vợ, chồng là người đứng tên tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán được coi là người có quyền xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản đó.

2. Trong giao dịch với người thứ ba ngay tình thì vợ, chồng đang chiếm hữu động sản mà theo quy định của pháp luật không phải đăng ký quyền sở hữu được coi là người có quyền xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản đó trong trường hợp Bộ luật dân sự có quy định về việc bảo vệ người thứ ba ngay tình”.

(xxxiii) Điều 33. Tài sản chung của vợ chồng

Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều 27 Luật 2000. Theo đó, nội dung “Trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì trong giấy chứng nhận quyền sở hữu phải ghi tên của cả vợ chồng” không còn quy định trong điều luật này mà tách ra thành một điều mới.

Và bổ sung quy định: Tài sản chung được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.

(xxxiv) Điều 34. Đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với tài sản chung

Điều này được tách ra trên cơ sở điều 27 của Luật 2000. Theo đó, quy định chi tiết như sau:

“1. Trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng thì giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng phải ghi tên cả hai vợ chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.

2. Trong trường hợp giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng tài sản chỉ ghi tên một bên vợ hoặc chồng thì giao dịch liên quan đến tài sản này được thực hiện theo quy định tại Điều 26 của Luật này; nếu có tranh chấp về tài sản đó thì được giải quyết theo quy định tại khoản 3 Điều 33 của Luật này.”

(xxxv) Điều 35. Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung

Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều 28 Luật 2000. Theo đó, quy định mới nổi bật sau:

“Việc định đoạt tài sản chung phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng trong những trường hợp sau đây: bất động sản; động sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu; tài sản đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình”.

(xxxvi) Điều 36. Tài sản chung được đưa vào kinh doanh

Đây là điều luật mới, theo đó quy định như sau:

“Trong trường hợp vợ chồng có thỏa thuận về việc một bên đưa tài sản chung vào kinh doanh thì người này có quyền tự mình thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản chung đó. Thỏa thuận này phải lập thành văn bản”.

(xxxvii) Điều 37. Nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng

Đây là điều luật mới, theo đó quy định như sau:

Vợ chồng có các nghĩa vụ chung về tài sản sau đây:

1. Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm;

2. Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;

3. Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung;

4. Nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình;

5. Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của Bộ luật dân sự thì cha mẹ phải bồi thường;

6. Nghĩa vụ khác theo quy định của các luật có liên quan.

(xxxviii) Điều 38. Chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân

Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều 29 Luật 2000. Theo đó, quy định mới là: “Văn bản thỏa thuận chia tài sản chung được công chứng theo yêu cầu của vợ chồng hoặc theo quy định của pháp luật”.

(xxxix) Điều 39. Thời điểm có hiệu lực của việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân

Đây là điều luật mới, theo đó quy định như sau:

“1. Thời điểm có hiệu lực của việc chia tài sản chung của vợ chồng là thời điểm do vợ chồng thỏa thuận và được ghi trong văn bản; nếu trong văn bản không xác định thời điểm có hiệu lực thì thời điểm có hiệu lực được tính từ ngày lập văn bản.

2. Trong trường hợp tài sản được chia mà theo quy định của pháp luật, giao dịch liên quan đến tài sản đó phải tuân theo hình thức nhất định thì việc chia tài sản chung của vợ chồng có hiệu lực từ thời điểm việc thỏa thuận tuân thủ hình thức mà pháp luật quy định.

3. Trong trường hợp Tòa án chia tài sản chung của vợ chồng thì việc chia tài sản chung có hiệu lực kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

4. Quyền, nghĩa vụ về tài sản giữa vợ, chồng với người thứ ba phát sinh trước thời điểm việc chia tài sản chung có hiệu lực vẫn có giá trị pháp lý, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác”.

(xl) Điều 40. Hậu quả của việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân

Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều 30 Luật 2000. Theo đó, bổ sung quy định: “Thỏa thuận của vợ chồng quy định tại khoản 1 Điều này không làm thay đổi quyền, nghĩa vụ về tài sản được xác lập trước đó giữa vợ, chồng với người thứ ba”.

(xli) Điều 41. Chấm dứt hiệu lực của việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân

Đây là điều luật mới, theo đó quy định như sau:

“1. Sau khi chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận chấm dứt hiệu lực của việc chia tài sản chung. Hình thức của thỏa thuận được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 38 của Luật này.

2. Kể từ ngày thỏa thuận của vợ chồng quy định tại khoản 1 Điều này có hiệu lực thì việc xác định tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng được thực hiện theo quy định tại Điều 33 và Điều 43 của Luật này. Phần tài sản mà vợ, chồng đã được chia vẫn thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.

3. Quyền, nghĩa vụ về tài sản phát sinh trước thời điểm chấm dứt hiệu lực của việc chia tài sản chung vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

4. Trong trường hợp việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án thì thỏa thuận chấm dứt hiệu lực của việc chia tài sản chung phải được Tòa án công nhận”.

(xlii) Điều 42. Chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân bị vô hiệu

Đây là điều luật mới, theo đó quy định như sau:

Việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân bị vô hiệu khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

1. Ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của gia đình; quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình;

2. Nhằm trốn tránh thực hiện các nghĩa vụ sau đây:

a) Nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng;

b) Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại;

c) Nghĩa vụ thanh toán khi bị Tòa án tuyên bố phá sản;

d) Nghĩa vụ trả nợ cho cá nhân, tổ chức;

đ) Nghĩa vụ nộp thuế hoặc nghĩa vụ tài chính khác đối với Nhà nước;

e) Nghĩa vụ khác về tài sản theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.

(xliii) Điều 43. Tài sản riêng của vợ, chồng

Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều 32 Luật 2000. Theo đó, bổ sung quy định: “Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng”.

(xliv) Điều 44. Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng

Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều 33 Luật 2000. Về cơ bản nội dung này được giữ nguyên, trong đó bỏ quy định: “Tài sản riêng của vợ, chồng cũng được sử dụng vào các nhu cầu thiết yếu của gia đình trong trường hợp tài sản chung không đủ để đáp ứng”.

(xlv) Điều 45. Nghĩa vụ riêng về tài sản của vợ, chồng

Đây là điều luật mới, theo đó quy định như sau:

“Vợ, chồng có các nghĩa vụ riêng về tài sản sau đây:

1. Nghĩa vụ của mỗi bên vợ, chồng có trước khi kết hôn;

2. Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng, trừ trường hợp nghĩa vụ phát sinh trong việc bảo quản, duy trì, tu sửa tài sản riêng của vợ, chồng theo quy định tại khoản 4 Điều 44 hoặc quy định tại khoản 4 Điều 37 của Luật này;

3. Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do một bên xác lập, thực hiện không vì nhu cầu của gia đình;

4. Nghĩa vụ phát sinh từ hành vi vi phạm pháp luật của vợ, chồng”.

(xlvi) Điều 46. Nhập tài sản riêng của vợ, chồng vào tài sản chung

Đây là điều luật mới, theo đó quy định như sau:

“1. Việc nhập tài sản riêng của vợ, chồng vào tài sản chung được thực hiện theo thỏa thuận của vợ chồng.

2. Tài sản được nhập vào tài sản chung mà theo quy định của pháp luật, giao dịch liên quan đến tài sản đó phải tuân theo hình thức nhất định thì thỏa thuận phải bảo đảm hình thức đó.

3. Nghĩa vụ liên quan đến tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung được thực hiện bằng tài sản chung, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”.

(xlvii) Điều 47. Thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng

Đây là điều luật mới, theo đó quy định như sau:

“Trong trường hợp hai bên kết hôn lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn”.

(xlviii) Điều 48. Nội dung cơ bản của thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng

Đây là điều luật mới, theo đó quy định như sau:

“1. Nội dung cơ bản của thỏa thuận về chế độ tài sản bao gồm:

a) Tài sản được xác định là tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng;

b) Quyền, nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung, tài sản riêng và giao dịch có liên quan; tài sản để bảo đảm nhu cầu thiết yếu của gia đình;

c) Điều kiện, thủ tục và nguyên tắc phân chia tài sản khi chấm dứt chế độ tài sản;

d) Nội dung khác có liên quan.

2. Khi thực hiện chế độ tài sản theo thỏa thuận mà phát sinh những vấn đề chưa được vợ chồng thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng thì áp dụng quy định tại các điều 29, 30, 31 và 32 của Luật này và quy định tương ứng của chế độ tài sản theo luật định”.

(xlix) Điều 49. Sửa đổi, bổ sung nội dung của thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng

Đây là điều luật mới, theo đó quy định như sau:

“1. Vợ chồng có quyền sửa đổi, bổ sung thỏa thuận về chế độ tài sản.

2. Hình thức sửa đổi, bổ sung nội dung của thỏa thuận về chế độ tài sản theo thỏa thuận được áp dụng theo quy định tại Điều 47 của Luật này”.

(l) Điều 50. Thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị vô hiệu

Đây là điều luật mới, theo đó quy định như sau:

“1. Thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị Tòa án tuyên bố vô hiệu khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Không tuân thủ điều kiện có hiệu lực của giao dịch được quy định tại Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan;

b) Vi phạm một trong các quy định tại các điều 29, 30, 31 và 32 của Luật này;

c) Nội dung của thỏa thuận vi phạm nghiêm trọng quyền được cấp dưỡng, quyền được thừa kế và quyền, lợi ích hợp pháp khác của cha, mẹ, con và thành viên khác của gia đình.

2. Tòa án nhân dân tối cao chủ trì phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp hướng dẫn khoản 1 Điều này”.

(li) Điều 51. Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn

Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều 85 Luật 2000. Theo đó, bổ sung quy định mới sau:

“Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ”.

(lii) Điều 52. Khuyến khích hòa giải ở cơ sở

Điều này được giữ nguyên như điều 86 Luật 2000.

(liii) Điều 53. Thụ lý đơn yêu cầu ly hôn

Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều 87 Luật 2000. Về cơ bản điều này được giữ nguyên, chỉ thay đổi điều Luật dẫn chiếu cho phù hợp với Luật 2014.

(liv) Điều 54. Hòa giải tại Tòa án

Điều này được giữ nguyên như điều 88 Luật 2000.

(lv) Điều 55. Thuận tình ly hôn

Điều này được giữ nguyên như điều 90 Luật 2000.

(lvi) Điều 56. Ly hôn theo yêu cầu của một bên

Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều 91 Luật 2000. Theo đó, bổ sung sau quy định “Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn” nội dung “nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được”.

Và bổ sung:

“Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.

Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia”.

(lvii) Điều 57. Thời điểm chấm dứt hôn nhân và trách nhiệm gửi bản án, quyết định ly hôn

Đây là điều luật mới, theo đó quy định như sau:

“1. Quan hệ hôn nhân chấm dứt kể từ ngày bản án, quyết định ly hôn của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

2. Tòa án đã giải quyết ly hôn phải gửi bản án, quyết định ly hôn đã có hiệu lực pháp luật cho cơ quan đã thực hiện việc đăng ký kết hôn để ghi vào sổ hộ tịch; hai bên ly hôn; cá nhân, cơ quan, tổ chức khác theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự và các luật khác có liên quan”.

(lviii) Điều 58. Quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con sau khi ly hôn

Đâu là điều luật mới, theo đó quy định như sau:

“Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn được áp dụng theo quy định tại các điều 81, 82, 83 và 84 của Luật này”.

(lix) Điều 59. Nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn

Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều 95 Luật 2000. Theo đó, bổ sung điểm mới nổi bật: “Việc chia tài sản chung có tính đến yếu tố Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng”.

Quốc hội giao Tòa án nhân dân tối cao chủ trì phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp hướng dẫn điều này.

(lx) Điều 60. Giải quyết quyền, nghĩa vụ tài sản của vợ chồng đối với người thứ ba khi ly hôn

Đây là điều luật mới, theo đó quy định như sau:

“1. Quyền, nghĩa vụ tài sản của vợ chồng đối với người thứ ba vẫn có hiệu lực sau khi ly hôn, trừ trường hợp vợ chồng và người thứ ba có thỏa thuận khác.

2. Trong trường hợp có tranh chấp về quyền, nghĩa vụ tài sản thì áp dụng quy định tại các điều 27, 37 và 45 của Luật này và quy định của Bộ luật dân sự để giải quyết”.

(lxi) Điều 61. Chia tài sản trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình

Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều 96 Luật 2000. Về cơ bản nội dung này được giữ nguyên, chỉ bổ sung thêm điều khoản dẫn chiếu ở khoản 2.

(lxii) Điều 62. Chia quyền sử dụng đất của vợ chồng khi ly hôn

Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều 97 Luật 2000. Về cơ bản nội dung này được giữ nguyên, chỉ sửa đổi về điều khoản dẫn chiếu cho phù hợp.

(lxiii) Điều 63. Quyền lưu cư của vợ hoặc chồng khi ly hôn

Đây là điều luật mới, theo đó quy định như sau:

“Nhà ở thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng đã đưa vào sử dụng chung thì khi ly hôn vẫn thuộc sở hữu riêng của người đó; trường hợp vợ hoặc chồng có khó khăn về chỗ ở thì được quyền lưu cư trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày quan hệ hôn nhân chấm dứt, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác”.

(lxiv) Điều 64. Chia tài sản chung của vợ chồng đưa vào kinh doanh

Đây là điều luật mới, theo đó quy định như sau:

“Vợ, chồng đang thực hiện hoạt động kinh doanh liên quan đến tài sản chung có quyền được nhận tài sản đó và phải thanh toán cho bên kia phần giá trị tài sản mà họ được hưởng, trừ trường hợp pháp luật về kinh doanh có quy định khác”.

(lxv) Điều 65. Thời điểm chấm dứt hôn nhân

Đây là điều luật mới, theo đó quy định như sau:

“Hôn nhân chấm dứt kể từ thời điểm vợ hoặc chồng chết.

Trong trường hợp Tòa án tuyên bố vợ hoặc chồng là đã chết thì thời điểm hôn nhân chấm dứt được xác định theo ngày chết được ghi trong bản án, quyết định của Tòa án”.

(lxvi) Điều 66. Giải quyết tài sản của vợ chồng trong trường hợp một bên chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết

Đây là điều luật mới, theo đó quy định như sau:

“1. Khi một bên vợ, chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì bên còn sống quản lý tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp trong di chúc có chỉ định người khác quản lý di sản hoặc những người thừa kế thỏa thuận cử người khác quản lý di sản.

2. Khi có yêu cầu về chia di sản thì tài sản chung của vợ chồng được chia đôi, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận về chế độ tài sản. Phần tài sản của vợ, chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết được chia theo quy định của pháp luật về thừa kế.

3. Trong trường hợp việc chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của vợ hoặc chồng còn sống, gia đình thì vợ, chồng còn sống có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế phân chia di sản theo quy định của Bộ luật dân sự.

4. Tài sản của vợ chồng trong kinh doanh được giải quyết theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này, trừ trường hợp pháp luật về kinh doanh có quy định khác”.

(lxvii) Điều 67. Quan hệ nhân thân, tài sản khi vợ, chồng bị tuyên bố là đã chết mà trở về

Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều 26 Luật 2000. Theo đó, bổ sung quy định sau:

“Quan hệ tài sản của người bị tuyên bố là đã chết trở về với người vợ hoặc chồng được giải quyết như sau:

a) Trong trường hợp hôn nhân được khôi phục thì quan hệ tài sản được khôi phục kể từ thời điểm quyết định của Tòa án hủy bỏ tuyên bố chồng, vợ là đã chết có hiệu lực. Tài sản do vợ, chồng có được kể từ thời điểm quyết định của Tòa án về việc tuyên bố chồng, vợ là đã chết có hiệu lực đến khi quyết định hủy bỏ tuyên bố chồng, vợ đã chết có hiệu lực là tài sản riêng của người đó;

b) Trong trường hợp hôn nhân không được khôi phục thì tài sản có được trước khi quyết định của Tòa án về việc tuyên bố vợ, chồng là đã chết có hiệu lực mà chưa chia được giải quyết như chia tài sản khi ly hôn.”

...

 

(còn tiếp)