GIỚI THIỆU ĐIỂM MỚI CỦA LUẬT HÔN NHÂN GIA ĐÌNH 2014 (tiếp theo)

...

(lxviii) Điều 68. Bảo vệ quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con

Đây là điều luật mới, theo đó quy định như sau:

“1. Quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con theo quy định tại Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan được tôn trọng và bảo vệ.

2. Con sinh ra không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha mẹ đều có quyền và nghĩa vụ như nhau đối với cha mẹ của mình được quy định tại Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

3. Giữa con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi có các quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con được quy định tại Luật này, Luật nuôi con nuôi, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

4. Mọi thỏa thuận của cha mẹ, con liên quan đến quan hệ nhân thân, tài sản không được làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình, cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình”.

(lxix) Điều 69. Nghĩa vụ và quyền của cha mẹ

Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều 34 Luật 2000. Theo đó, bổ sung nội dung sau:

“Trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

Giám hộ hoặc đại diện theo quy định của Bộ luật dân sự cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự”.

(lxx) Điều 70. Quyền và nghĩa vụ của con

Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều 35 Luật 2000. Theo đó, bổ sung những nội dung sau:

“Được cha mẹ thương yêu, tôn trọng, thực hiện các quyền, lợi ích hợp pháp về nhân thân và tài sản theo quy định của pháp luật; được học tập và giáo dục; được phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ và đạo đức.

Con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình thì có quyền sống chung với cha mẹ, được cha mẹ trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc.

Con chưa thành niên tham gia công việc gia đình phù hợp với lứa tuổi và không trái với quy định của pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Con đã thành niên có quyền tự do lựa chọn nghề nghiệp, nơi cư trú, học tập, nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ; tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội theo nguyện vọng và khả năng của mình. Khi sống cùng với cha mẹ, con có nghĩa vụ tham gia công việc gia đình, lao động, sản xuất, tạo thu nhập nhằm bảo đảm đời sống chung của gia đình; đóng góp thu nhập vào việc đáp ứng nhu cầu của gia đình phù hợp với khả năng của mình.

Được hưởng quyền về tài sản tương xứng với công sức đóng góp vào tài sản của gia đình”.

(lxxi) Điều 71. Nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng

Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều 36 Luật 2000. Theo đó, bổ sung “đặc biệt khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự” trong quyền và nghĩa vụ của con.

(lxxii) Điều 72. Nghĩa vụ và quyền giáo dục con

Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều 37 Luật 2000. Theo đó, bổ sung “quyền tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa” trong việc cha mẹ tôn trọng quyền của con.

(lxxiii) Điều 73. Đại diện cho con

Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều 39 Luật 2000. Theo đó, bổ sung các nội dung sau:

“2. Cha hoặc mẹ có quyền tự mình thực hiện giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

3. Đối với giao dịch liên quan đến tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng, tài sản đưa vào kinh doanh của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự thì phải có sự thỏa thuận của cha mẹ.

4. Cha, mẹ phải chịu trách nhiệm liên đới về việc thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản của con được quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này và theo quy định của Bộ luật dân sự”.

(lxxiv) Điều 74. Bồi thường thiệt hại do con gây ra

Nội dung này được giữ nguyên như điều 40 Luật 2000, chỉ có sự thay đổi nhỏ ở nội dung dẫn chiếu.

(lxxv) Điều 75. Quyền có tài sản riêng của con

Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều 44 Luật 2000. Theo đó, bổ sung quy định “Con đã thành niên có nghĩa vụ đóng góp thu nhập vào việc đáp ứng nhu cầu của gia đình theo quy định tại khoản 4 Điều 70 của Luật này”.

(lxxvi) Điều 76. Quản lý tài sản riêng của con

Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều 45 Luật 2000. Theo đó, bổ sung những nội dung sau:

“Tài sản riêng của con do cha mẹ hoặc người khác quản lý được giao lại cho con khi con từ đủ 15 tuổi trở lên hoặc khi con khôi phục năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp cha mẹ và con có thỏa thuận khác.

Trong trường hợp cha mẹ đang quản lý tài sản riêng của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự mà con được giao cho người khác giám hộ thì tài sản riêng của con được giao lại cho người giám hộ quản lý theo quy định của Bộ luật dân sự”.

(lxxvii) Điều 77. Định đoạt tài sản riêng của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự

Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều 46 Luật 2000. Theo đó, bổ sung quy định: “Trong trường hợp con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự thì việc định đoạt tài sản riêng của con do người giám hộ thực hiện”.

(lxxviii) Điều 78. Quyền, nghĩa vụ của cha nuôi, mẹ nuôi và con nuôi

Đây là điều luật mới, theo đó quy định như sau:

“1. Cha nuôi, mẹ nuôi, con nuôi có quyền và nghĩa vụ của cha, mẹ, con được quy định trong Luật này kể từ thời điểm quan hệ nuôi con nuôi được xác lập theo quy định của Luật nuôi con nuôi.

Trong trường hợp chấm dứt việc nuôi con nuôi theo quyết định của Tòa án thì quyền, nghĩa vụ của cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi chấm dứt kể từ ngày quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

2. Quyền, nghĩa vụ của cha đẻ, mẹ đẻ và con đã làm con nuôi của người khác được thực hiện theo quy định của Luật nuôi con nuôi.

3. Quyền, nghĩa vụ giữa cha đẻ, mẹ đẻ và con đẻ được khôi phục kể từ thời điểm quan hệ nuôi con nuôi chấm dứt. Trong trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ không còn hoặc không có đủ điều kiện để nuôi con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình thì Tòa án giải quyết việc chấm dứt nuôi con nuôi và chỉ định người giám hộ cho con theo quy định của Bộ luật dân sự”.

(lxxix) Điều 79. Quyền, nghĩa vụ của cha dượng, mẹ kế và con riêng của vợ hoặc của chồng

Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều 38 Luật 2000. Theo đó, bỏ quy định “Bố dượng, mẹ kế và con riêng của vợ hoặc của chồng không được ngược đãi, hành hạ, xúc phạm nhau” vì các nội dung trên đã bao hàm nội dung này.

(lxxx) Điều 80. Quyền, nghĩa vụ của con dâu, con rể, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng

Đây là điều luật mới, theo đó quy định như sau:

“Trong trường hợp con dâu, con rể sống chung với cha mẹ chồng, cha mẹ vợ thì giữa các bên có các quyền, nghĩa vụ tôn trọng, quan tâm, chăm sóc và giúp đỡ nhau theo quy định tại các điều 69, 70, 71 và 72 của Luật này”.

(lxxxi) Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn

Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều 92 Luật 2000. Theo đó, có quy định mới sau:

Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên [Luật 2000 là từ đủ 9 tuổi trở lên] thì phải xem xét nguyện vọng của con.

Quy định “Về nguyên tắc, con dưới ba tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, nếu các bên không có thoả thuận khác” được sửa thành “Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con”.

(lxxxii) Điều 82. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều 94 Luật 2000. Theo đó, quy định như sau:

“1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.

2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.

Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó”.

(lxxxiii) Điều 83. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ trực tiếp nuôi con đối với người không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

Đây là điều luật mới, theo đó quy định như sau:

“1. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu người không trực tiếp nuôi con thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại Điều 82 của Luật này; yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình tôn trọng quyền được nuôi con của mình.

2. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con”.

(lxxxiv) Điều 84. Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều 93 Luật 2000. Theo đó, có điểm mới nổi bật sau: “Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên [Luật 2000 là từ đủ 9 tuổi trở lên]”.

(lxxxv) Điều 85. Hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên

Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều 41 Luật 2000. Về cơ bản nội dung này được giữ nguyên, chỉ sửa về hình thức phân chia điểm, khoản.

(lxxxvi) Điều 86. Người có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên

Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều 42 Luật 2000. Về cơ bản nội dung này được giữ nguyên, chỉ sửa về hình thức phân chia điểm, khoản.

(lxxxvii) Điều 87. Hậu quả pháp lý của việc cha, mẹ bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên

Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều 43 Luật 2000. Theo đó, việc trông nom, chăm sóc, giáo dục con và quản lý tài sản riêng của con chưa thành niên được giao cho người giám hộ được bổ sung cho hai trường hợp sau:

- Một bên cha, mẹ không bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên nhưng không đủ điều kiện để thực hiện quyền, nghĩa vụ đối với con;

- Một bên cha, mẹ bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên và chưa xác định được bên cha, mẹ còn lại của con chưa thành niên.

(lxxxviii) Điều 88. Xác định cha, mẹ

Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều 63 Luật 2000. Theo đó, bổ sung quy định: “Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân”.

(lxxxix) Điều 89. Xác định con

Điều này được giữ nguyên như điều 64 Luật 2000.

(xc) Điều 90. Quyền nhận cha, mẹ

Điều này được giữ nguyên như điều 65 Luật 2000.

(xci) Điều 91 – 102: Quy định mới.

(xcii) Điều 103. Quyền, nghĩa vụ giữa các thành viên khác của gia đình

Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều 49 Luật 2000. Về cơ bản điều này được giữ nguyên nội dung, thay đổi về hình thức sắp xếp các khoản.

(xciii) Điều 104. Quyền, nghĩa vụ của ông bà nội, ông bà ngoại và cháu

Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều 47 Luật 2000. Theo đó, bổ sung quy định: “trường hợp ông bà nội, ông bà ngoại không có con để nuôi dưỡng mình thì cháu đã thành niên có nghĩa vụ nuôi dưỡng”.

(xciv) Điều 105. Quyền, nghĩa vụ của anh, chị, em

Điều này được giữ nguyên như điều 48 Luật 2000.

(xcv) Điều 106. Quyền, nghĩa vụ của cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột

Đây là điều luật mới, theo đó quy định như sau:

“Cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột có quyền, nghĩa vụ thương yêu, chăm sóc, giúp đỡ nhau; có quyền, nghĩa vụ nuôi dưỡng nhau trong trường hợp người cần được nuôi dưỡng không còn cha, mẹ, con và những người được quy định tại Điều 104 và Điều 105 của Luật này hoặc còn nhưng những người này không có điều kiện để thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng”.

(xcvi) Điều 107. Nghĩa vụ cấp dưỡng

Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều 50 Luật 2000. Theo đó, bổ sung nghĩa vụ cấp dưỡng giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột.

(xcvii) Điều 108. Một người cấp dưỡng cho nhiều người, 109. Nhiều người cùng cấp dưỡng cho một người hoặc cho nhiều người được giữ nguyên như điều 51, 52 Luật 2000.

(xcviii) Điều 110. Nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con

Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều 56 Luật 2000. Về cơ bản nội dung này được giữ nguyên, chỉ bỏ từ “khi ly hôn”.

(xcix) Điều 111. Nghĩa vụ cấp dưỡng của con đối với cha, mẹ

Điều này được giữ nguyên như điều 57 Luật 2000.

(c) Điều 112. Nghĩa vụ cấp dưỡng giữa anh, chị, em

Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều 58 Luật 2000. Về cơ bản điều này được giữ nguyên, chỉ sửa về hình thức (hai khoản gom thành một).

(ci) Điều 113. Nghĩa vụ cấp dưỡng giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu

Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều 59 Luật 2000. Về cơ bản điều này được giữ nguyên, chỉ thay đổi về điều khoản dẫn chiếu cho phù hợp với Luật 2014.

(cii) Điều 114. Nghĩa vụ cấp dưỡng giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột

Đây là điều luật mới, theo đó quy định như sau:

“1. Cô, dì, chú, cậu, bác ruột không sống chung với cháu ruột có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cháu trong trường hợp cháu chưa thành niên hoặc cháu đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình mà không có người khác cấp dưỡng theo quy định của Luật này.

2. Cháu đã thành niên không sống chung với cô, dì, chú, cậu, bác ruột có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cô, dì, chú, cậu, bác ruột trong trường hợp người cần được cấp dưỡng không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình mà không có người khác cấp dưỡng theo quy định của Luật này”.

(ciii) Điều 115. Nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng khi ly hôn

Điều này được giữ nguyên như điều 60 Luật 2000.

(civ) Điều 116. Mức cấp dưỡng, Điều 117. Phương thức cấp dưỡng được giữ nguyên như điều 53, 54 Luật 2000.

(cv) Điều 118. Chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng

Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều 61 Luật 2000. Về cơ bản nội dung này được giữ nguyên, chỉ thay đổi về mặt hình thức, sắp xếp lại các khoản.

(cvi) Điều 119. Người có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng

Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều 55 Luật 2000. Theo đó, quy định như sau:

“1. Người được cấp dưỡng, cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó.

2. Cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó:

a) Người thân thích;

b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;

c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;

d) Hội liên hiệp phụ nữ.

3. Cá nhân, cơ quan, tổ chức khác khi phát hiện hành vi trốn tránh thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức quy định tại các điểm b, c và d khoản 2 Điều này yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó”.

(cvii) Điều 120. Khuyến khích việc trợ giúp của tổ chức, cá nhân

Điều này được giữ nguyên như điều 62 Luật 2000.

(cviii) Điều 121. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài

Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều 100 Luật 2000. Về cơ bản nội dung này được giữ nguyên, chỉ thay đổi về điều khoản dẫn chiếu cho phù hợp với Luật 2014.

(cix) Điều 122. Áp dụng pháp luật đối với quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài

Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều 101 Luật 2000. Theo đó, quy định chi tiết hơn, cụ thể như sau:

“1. Các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được áp dụng đối với quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, trừ trường hợp Luật này có quy định khác.

Trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Luật này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.

2. Trong trường hợp Luật này, các văn bản pháp luật khác của Việt Nam có dẫn chiếu về việc áp dụng pháp luật nước ngoài thì pháp luật nước ngoài được áp dụng, nếu việc áp dụng đó không trái với các nguyên tắc cơ bản được quy định tại Điều 2 của Luật này.

Trong trường hợp pháp luật nước ngoài dẫn chiếu trở lại pháp luật Việt Nam thì áp dụng pháp luật về hôn nhân và gia đình Việt Nam.

3. Trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có dẫn chiếu về việc áp dụng pháp luật nước ngoài thì pháp luật nước ngoài được áp dụng”.

(cx) Điều 123. Thẩm quyền giải quyết các vụ việc hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài

Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều 102 Luật 2000. Theo đó, quy định ngắn gọn hơn, cụ thể như sau:

“1. Thẩm quyền đăng ký hộ tịch liên quan đến các quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài được thực hiện theo quy định của pháp luật về hộ tịch.

2. Thẩm quyền giải quyết các vụ việc hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài tại Tòa án được thực hiện theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

3. Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam hủy việc kết hôn trái pháp luật, giải quyết việc ly hôn, các tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của vợ chồng, cha mẹ và con, về nhận cha, mẹ, con, nuôi con nuôi và giám hộ giữa công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật Việt Nam”.

(cxi) Điều 124. Hợp pháp hóa lãnh sự giấy tờ, tài liệu về hôn nhân và gia đình, Điều 125. Công nhận, ghi chú bản án, quyết định của Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài về hôn nhân và gia đình

Đây là điều luật mới.

(cxii) Điều 126. Kết hôn có yếu tố nước ngoài

Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều 103 Luật 2000. Theo đó, bỏ quy định “Nghiêm cấm lợi dụng việc kết hôn có yếu tố nước ngoài để buôn bán phụ nữ, xâm phạm tình dục đối với phụ nữ hoặc vì mục đích trục lợi khác” – vì thực tế hành vi này đã bị xử lý theo pháp luật hình sự.

(cxiii) Điều 127. Ly hôn có yếu tố nước ngoài

Điều này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở điều 104 Luật 2000. Theo đó, bỏ quy định “Bản án, quyết định ly hôn của Toà án hoặc cơ quan khác có thẩm quyền của nước ngoài được công nhận tại Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam” – vì đã được quy định ở điều 125.

(cxix) Điều 128. Xác định cha, mẹ, con có yếu tố nước ngoài, Điều 129. Nghĩa vụ cấp dưỡng có yếu tố nước ngoài, Điều 130. Áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận; giải quyết hậu quả của việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài

Đây là điều luật mới.

(cxx) Điều khoản thi hành

Theo đó, được quy định như sau:

“Điều 131. Điều khoản chuyển tiếp

1. Quan hệ hôn nhân và gia đình được xác lập trước ngày Luật này có hiệu lực thì áp dụng pháp luật về hôn nhân và gia đình tại thời điểm xác lập để giải quyết.

2. Đối với vụ việc về hôn nhân và gia đình do Tòa án thụ lý trước ngày Luật này có hiệu lực mà chưa giải quyết thì áp dụng thủ tục theo quy định của Luật này.

3. Không áp dụng Luật này để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với vụ việc mà Tòa án đã giải quyết theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình trước ngày Luật này có hiệu lực.

Điều 132. Hiệu lực thi hành

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2015.

Luật hôn nhân và gia đình số 22/2000/QH10 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực.

Điều 133. Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành

Chính phủ quy định chi tiết các điều, khoản được giao trong Luật.

Tòa án nhân dân tối cao chủ trì phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành các điều, khoản được giao trong Luật.”