GIỚI THIỆU SÁCH: Viện kiểm sát trong nhà nước pháp quyền

Đi tìm mô hình nào cho Viện kiểm sát trong nhà nước pháp quyền là câu hỏi mà nhiều nhà khoa học phải giải đáp: Viện Kiểm sát cần giữ nguyên chức năng như hiện nay hay cần chuyển đổi sang mô hình Viện Công tố...sẽ tìm được lời giải ở cuốn sách này.

        Nhà nước pháp quyền là giá trị xã hội chung của nhân loại, được mọi quốc gia tiến bộ hướng đến; Nhà nước pháp quyền không phải là một “kiểu nhà nước trong lịch sử” mà là mô hình tổ chức và thực thi quyền lực nhà nước. Việt Nam đang hướng đến xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, để góp phần tìm hiểu về nhà nước pháp quyền cùng với bộ sách  về nhà nước pháp quyền thuộc đề tài khoa học nhà nước do GS.TS Nguyễn Đăng Dung chủ trì như: “Quốc hội trong nhà nước pháp quyền”, “Chính phủ trong nhà nước pháp quyền”, “Tòa án trong nhà nước pháp quyền”, cuốn sách “Viện kiểm sát trong nhà nước pháp quyền” vừa được Nhà xuất bản tư pháp ấn hành với 389 trang của các tác giả: GS.TS Nguyễn Đăng Dung; PGS.TS Nguyễn Ngọc Chí, ThS. Lưu Bình Dương đã giới thiệu tổng quan về mô hình và đòi hỏi của nhà nước pháp quyền như: Quan niệm về nhà nước pháp quyền trong lịch sử và hiện tại; đặc trưng của nhà nước pháp quyền; đòi hỏi của nhà nước pháp quyền và đặc biệt là quyền tư pháp…

          Cuốn sách đã dành thời lượng đáng kể để phân tích vị trí và vai trò của Viện kiểm sát trong mô hình hiện nay và xu thế của Viện kiểm sát trong thời gian tới. Làm rõ những yêu cầu có tính nguyên tắc của quyền tư pháp trong nhà nước pháp quyền gắn với thực hiện chức năng của Viện kiểm sát: Viện kiểm sát thực hành quyền công tố là quyền hành pháp mà không phải là quyền tư pháp như quan niệm. Chủ thể  của công tố chỉ do Viện kiểm sát thực hiện và vì vậy Viện kiểm sát phải thống nhất chỉ đạo điều tra toàn bộ vụ án; có chỉ đạo điều tra mới buộc tội được, có buộc tội được mới góp phần bảo vệ công lý XHCN…

            Trong cuốn sách  các tác giả giới thiệu một vài mô hình công tố trên thế giới điển hình và đặt ra việc chuyển đổi vai trò, chức năng, tên gọi của Viện kiểm sát thành Viện Công tố là đòi hỏi tất yếu khách quan, nhưng cần tính đến lộ trình và bước đi phù hợp.

            Sách cũng đã phân tích và làm sáng tỏ nhiều nội dung thực hiện chức năng mà Viện kiểm sát đang thực hiện dưới một giác độ tiếp cận mới, tiếp cận dựa trên quyền và nghĩa vụ như: Quyền công tố và phạm vi của công tố; Giới hạn của việc xét xử theo cáo trạng; nội dung và bản chất của tranh tụng giữa bên buộc tội và gỡ tội; có hay không cần thiết Viện kiểm sát phải thực hiện kiểm sát hoạt động tư pháp các lĩnh vực phi hình sự…

           

        Đây là cuốn sách bổ ích dành cho các nhà nghiên cứu, học viên cao học và sinh viên nghiên cứu ngành luật và các độc giả quan tâm đến ngành luật và Vị trí của Viện kiểm sát trong nhà nước pháp quyền – Trung tân nghiên cứu và tư vấn pháp luật xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc.