Hội thảo khoa học về sửa đổi bổ sung Bộ Luật Hình sự năm 1999

Ngày 20/12/2013, tại Hội trường của Trường Đại học Khoa học thuộc Đại học Thái Nguyên, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội kết hợp với Trường Đại học Khoa học thuộc Đại học Thái Nguyên tổ chức Hội thảo Khoa học quốc tế với chủ đề: "Cơ sở lý luận và thực tiễn của việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự năm 1999 trước yêu cầu cải cách tư pháp".

Ban chủ trì Hội thảo Khoa học bao gồm: PGS.TS. Trịnh Quốc Toản-  Phụ trách Khoa Luật, GS.TSKH. Lê Văn Cảm - Trưởng Bộ môn Tư pháp hình sự và GS.TS. Nguyễn Đăng Dung - Trưởng Bộ môn Hành chính - Hiến pháp của Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội.


Ban chủ trì Hội thảo Khoa học điều hành buổi hội thảo.

Ban tổ chức Hội thảo Khoa học đã nhận được sự tham gia nhiệt tình, tâm huyết của các nhà khoa học là những chuyên gia hàng đầu, các Giáo sư, Phó giáo sư, tiến sĩ làm công tác nghiên cứu, giảng dạy và hoạt động thực tiễn trong và ngoài nước với tổng số 24 báo cáo khoa học gửi đến Hội thảo như: GS.TSKH. Lê Văn Cảm, GS.TSKH. Đào Trí Úc, GS.TS. Nguyễn Ngọc Hòa, GS.TS. Đỗ Ngọc Quang, GS.TS. Phạm Hồng Thái, GS.TS. Nguyễn Đăng Dung, GS.TS. Hoàng Thị Kim Quế, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Chí, PGS.TS. Trịnh Quốc Toản, PGS.TS. Ngô Huy Cương, TS. Trần Văn Dũng, TS. Hoàng Văn Hùng, TS. Nguyễn Khắc Hải... Đặc biệt, có sự tham gia của hai Giáo sư người Trung Quốc là GS. Dương Hồng Vân và GS.TS. Ngũ Quang Hồng, Đại học Dân tộc Quảng Tây cũng như sự có mặt của PGS.TS. Nông Quốc Chinh, Hiệu trưởng và hàng trăm giảng viên, sinh viên và học viên của Trường Đại học Khoa học thuộc Đại học Thái Nguyên.


Các vị lãnh đạo, khách mời, chuyên gia hàng đầu về luật hình sự tại hội thảo.


PGS.TS. Trịnh Quốc Toản - Phụ trách Khoa Luật, ĐHQGHN phát biểu khai mạc.

Bộ luật hình sự (BLHS) năm 1999 được Quốc hội khóa X, kỳ họp thứ VI thông qua ngày 21/12/1999, có hiệu lực từ ngày 01/07/2000. Từ khi được ban hành đến nay, BLHS không những là công cụ hữu hiệu của Nhà nước trong việc quản lý xã hội, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm, góp phần quan trọng trong việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, mà còn bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của các tổ chức và của công dân, đấu tranh phòng, chống tội phạm, qua đó góp phần có hiệu quả trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Ngày 19/6/2009, BLHS năm 1999 đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 37/2009/QH12 của Quốc hội, trong đó đã khắc phục một số tồn tại, vướng mắc từ thực tiễn thi hành BLHS, nhưng nhìn chung vẫn là "sản phẩm" của thời kỳ đầu của quá trình chuyển từ nền kinh tế tập trung quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, do vậy, nó chưa đáp ứng kịp thời, đồng bộ với thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm và tình hình đất nước ta đã có những thay đổi to lớn trên về mọi mặt. Do đó, đòi hỏi BLHS phải được nghiên cứu, điều chỉnh nhằm đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế. Đặc biệt, BLHS năm 1999 được xây dựng trên cơ sở tư duy kỹ thuật lập pháp cũ nên nhìn chung cách thiết kế các quy định trong BLHS chưa bảo đảm tính rõ ràng, thống nhất và minh bạch hóa cao.

Chính vì vậy, để thực hiện tốt các đường lối, chủ trương, chính sách mới của Đảng được thể hiện trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, cũng như trong các Nghị quyết về cải cách tư pháp của Đảng (Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 "Về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới" và Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 "Về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020") và Quyết định số 1236/QĐ-TTg về việc "Phê duyệt Kế hoạch tổng kết thi hành BLHS năm 1999" ngày 10/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ, cũng như thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm trước yêu cầu mới của đất nước, Hội thảo Khoa học được tổ chức để có cơ sở cung cấp những luận cứ khoa học và thực tiễn có giá trị cao cho các nhà làm luật Việt Nam tham khảo trong quá trình xây dựng và sửa đổi toàn diện BLHS năm 1999.

Nội dung các báo cáo tham luận và những phát biểu của các nhà khoa học - thực tiễn đã tập trung vào những nhóm vấn đề lớn sau đây:

Một là, nghiên cứu những nội dung cơ bản chính sách hình sự trong thời kỳ đổi mới ở Việt Nam và những vấn đề đặt ra khi sửa đổi, bổ sung BLHS năm 1999, liên quan đến quá trình tội phạm hóa và phi tội phạm hóa, hình sự hóa và phi hình sự hóa. Trong đó, vấn đề đổi mới tư duy pháp lý hình sự là vấn đề căn bản cần được đặc biệt chú ý khi sửa đổi, bổ sung BLHS.

Hai là, nghiên cứu cơ sở kinh tế - xã hội, sự cần thiết và các yêu cầu phải sửa đổi, bổ sung toàn diện BLHS năm 1999 từ thực tiễn thi hành BLHS và thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm, cũng như yêu cầu của quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

Ba là, nghiên cứu các yêu cầu phải sửa đổi, bổ sung BLHS năm 1999 trong mối quan hệ với hoạt động quản lý Nhà nước, với các đạo luật chuyên ngành, đặc biệt là bảo vệ các quan hệ pháp luật phá sản với việc bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Bốn là, nghiên cứu triết lý về tội phạm và hình phạt, chính sách hình sự của các thời đại trước, cũng như trên cơ sở mối quan hệ, cách nhìn nhận của xã hội Việt Nam trong tiến trình lịch sử về các phạm trù "ác" và "thiện"; "tội ác" và "trừng phạt" để từ đó rút ra những ý tưởng, kinh nghiệm, bài học cho việc sửa đổi BLHS trong giai đoạn hiện nay.

Năm là, nghiên cứu xu hướng nhân đạo, tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền công dân, đặc biệt, BLHS mới phải ghi nhận đầy đủ nguyên tắc "bảo vệ quyền con người" để phù hợp với những nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền và Hiến pháp mới năm 2013 vừa được Quốc hội thông qua, cũng như nghiên cứu thu hẹp phạm vi áp dụng hình phạt tử hình và vấn đề loại trừ trách nhiệm hình sự trong BLHS năm 1999.

Sáu là, nghiên cứu việc sửa đổi, bổ sung các tội xâm phạm an ninh quốc gia cho phù hợp với thực tiễn xét xử.

Bảy là, nghiên cứu các yêu cầu phải sửa đổi, bổ sung BLHS nhằm hoàn thiện kỹ thuật lập pháp, nâng cao tính minh bạch và tính dự báo trong các quy định của BLHS năm 1999.

Tám là, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế trong việc hoàn thiện chính sách hình sự nhằm góp phần tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm, trong đó đặt ra vấn đề mở rộng nguồn luật hình sự và quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong BLHS năm 1999.

Trong khuôn khổ một ngày làm việc tích cực và có hiệu quả, Hội thảo đã tập trung thảo luận, làm sáng tỏ những cơ sở lý luận và thực tiễn của việc sửa đổi, bổ sung BLHS năm 1999 và những vấn đề cụ thể để cung cấp các luận cứ khoa học và thực tiễn có giá trị cho các nhà làm luật Việt Nam tham khảo trong quá trình sửa đổi toàn diện BLHS.

Ban Tổ chức sẽ tiến hành biên tập và chỉnh sửa những bài viết có giá trị để xuất bản thành sách chuyên khảo phục vụ những mục đích trên.

Kết quả của Hội thảo Khoa học góp phần bảo đảm việc xây dựng và sửa đổi toàn diện BLHS sẽ tạo ra một môi trường sống an lành, an toàn cho người dân, bảo vệ tốt hơn các giá trị cốt lõi của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân được bảo đảm, nhưng đồng thời tạo cơ sở pháp lý vững chắc và thuận lợi cho việc đấu tranh phòng, chống tội phạm, chủ động và tăng cường hợp tác quốc tế, cũng như kỹ thuật lập pháp hình sự thể hiện sự thống nhất và minh bạch hóa cao./.


Các vị lãnh đạo, khách mời, các chuyên gia và giảng viên chụp ảnh kỉ niệm.