Một số vấn đề lớn, còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi)

Luật tố tụng hành chính năm 2010 đã đi vào đời sống, như một công cụ hữu hiêu để công dân bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trước các cơ quan hành chính nhà nước khi bi xâm hại. Tuy nhiên, quá trình áp dụng luật này đã bộc lộ nhiều hạn chế cần khắc phục, Chúng tôi tổng thuật sâu về một số nội dung đề nghị sửa đổi để bạn đọc tham khảo:
 (BNCTW) - Dự án Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh sẽ được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9, thông qua tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIII. Ban soạn thảo đã tiến hành tổng kết 3 năm thực hiện Luật Tố tụng hành chính 2010, xây dựng dự thảo Luật và tổ chức nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo xin ý kiến chuyên gia, các nhà khoa học. Đến nay, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau xung quanh các vấn đề cơ bản, trọng tâm của dự thảo Luật, cụ thể như sau:
 
    1- Về những khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân (TAND)
 
    Loại ý kiến thứ nhất đề nghị mở rộng hơn nữa thẩm quyền của Tòa án đối với các khiếu kiện hành chính, cụ thể là đối với các quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức để tránh việc xem xét các quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính chất nội bộ một cách tùy tiện, không thống nhất, từ đó hạn chế quyền khởi kiện của công dân, không bảo đảm được quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, đồng thời, đề cao trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc quản lý, chỉ đạo, điều hành hoạt động nhiệm vụ, công vụ.
 
    Loại ý kiến thứ hai đề nghị giữ như quy định hiện hành về thẩm quyền của TAND, nhưng cần bổ sung quy định việc loại trừ cả quyết định xử lý hành chính của TAND (như quyết định xử lý hành chính đối với các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án, quyết định đưa vào trường giáo dưỡng…) để bảo đảm tính khả thi, tính khách quan trong quá trình giải quyết. 
 
    2- Về phân định thẩm quyền của TAND cấp huyện, TAND cấp tỉnh
 
    Loại ý kiến thứ nhất đề nghị giữ như quy định hiện hành về thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện để tránh làm TAND cấp tỉnh quá tải trong giải quyết các vụ án hành chính; tăng cường bản lĩnh và trách nhiệm của thẩm phán; bảo đảm phù hợp với định hướng cải cách tư pháp theo hướng tăng thẩm quyền của TAND cấp huyện để tòa án gần dân, sát dân hơn. 
 
    Loại ý kiến thứ hai đề nghị quy định TAND cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết sơ thẩm các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện để bảo đảm tính khả thi và hiệu quả trong giải quyết vụ án vì thực tiễn cho thấy, tỷ lệ các bản án, quyết định của TAND cấp huyện khi giải quyết đối với các khiếu kiện này bị hủy, sửa rất cao. Tuy nhiên, ý kiến này cũng cho rằng, cơ quan chủ trì soạn thảo cần có sự phân tích kỹ hơn tại sao khi chuyển thẩm quyền giải quyết các khiếu kiện liên quan đến quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện lên cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh giải quyết sơ thẩm thì sẽ khắc phục tình trạng phán quyết của Thẩm phán không bị phụ thuộc vào chính quyền địa phương, trong khi đó tại Tòa án nhân dân cấp tỉnh cũng vẫn giải quyết theo thủ tục sơ thẩm các khiếu kiện liên quan đến quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp tỉnh, Chủ tịch UBND cấp tỉnh.
 
    3- Về địa vị pháp lý của Viện kiểm sát trong tố tụng hành chính
 
    Loại ý kiến thứ nhất đề nghị giữ như quy định hiện hành về địa vị pháp lý của Viện kiểm sát trong tố tụng hành chính. Riêng trong quá trình giải quyết vụ án theo thủ tục sơ thẩm, Viện kiểm sát chỉ có vai trò là cơ quan kiểm sát việc tuân theo pháp luật nên không phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án hành chính. Quy định như vậy cũng để đảm bảo phù hợp, đồng bộ với dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự đang được trình xin ý kiến.
 
    Loại ý kiến thứ hai cho rằng trong tố tụng hành chính, Viện kiểm sát tham gia để kiểm sát việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán, Hội đồng xét xử và việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng hành chính, kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án. Viện kiểm sát không tiến hành lập hồ sơ, không xác minh thu thập chứng cứ, không tham gia vào việc giải quyết vụ án như trong tố tụng hình sự. Vì vậy, loại ý kiến này cho rằng Viện kiểm sát không phải là cơ quan tiến hành tố tụng, Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên không phải là người tiến hành tố tụng trong tố tụng hành chính.
 
    4- Về thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm
 
    Loại ý kiến thứ nhất tán thành với việc giữ quy định hiện hành về thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm vụ án hành chính gồm 02 Hội thẩm nhân dân và 01 Thẩm phán để phù hợp với đặc thù tố tụng của nước ta, bảo đảm thực hiện quyền lực nhân dân. Mặt khác, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) đã có những quy định (Chương VIII) khắc phục được tình trạng hình thức khi Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử các vụ án và nâng cao trách nhiệm của Thẩm phán, Chánh án Tòa án trong việc phân công Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử vụ án tại phiên tòa sơ thẩm.
 
    Loại ý kiến thứ hai cho rằng việc tham gia công tác xét xử của Hội thẩm nhân dân là phương thức để nhân dân thực hiện quyền tư pháp, bảo đảm cho công tác xét xử phù hợp, đáp ứng đúng yêu cầu, tâm tư, nguyện vọng của người dân; đồng thời, thực hiện quyền giám sát của nhân dân đối với hoạt động xét xử. Tuy nhiên, để bảo đảm chất lượng của bản án, quyết định của Tòa án thì cần tăng số lượng Thẩm phán trong thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm vụ án hành chính. Do đó, đề nghị quy định Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm hai Thẩm phán và một Hội thẩm nhân dân; trường hợp đặc biệt thì Hội đồng xét xử sơ thẩm có thể gồm ba Thẩm phán và hai Hội thẩm nhân dân.
 
    5- Về thẩm quyền của Hội đồng xét xử
 
    Loại ý kiến thứ nhất đề nghị giữ nguyên thẩm quyền của Hội đồng xét xử theo quy định hiện hành, theo đó Hội đồng xét xử có quyền tuyên hủy một phần hoặc toàn bộ quyết định hành chính trái pháp luật mà không có thẩm quyền sửa một phần hoặc toàn bộ quyết định hành chính đó, do chức năng, nhiệm vụ của Tòa án là cơ quan xét xử (cơ quan thực hiện quyền tư pháp), Tòa án không can thiệp trực tiếp vào các hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước. 
 
    Loại ý kiến thứ hai đề nghị quy định Hội đồng xét xử có thẩm quyền sửa một phần hoặc toàn bộ quyết định hành chính trái pháp luật để tránh tình trạng vô hiệu hóa các quyết định của tòa án như hiện nay.
 
    6- Về thủ tục rút gọn
 
    Loại ý kiến thứ nhất đề nghị quy định bản án, quyết định sơ thẩm trong trường hợp được giải quyết theo thủ tục rút gọn vẫn có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Việc xét xử theo thủ tục phúc thẩm cũng có thể được áp dụng theo thủ tục rút gọn (về hồ sơ, thành phần tham gia hoặc có thể áp dụng xét xử bút lục); phù hợp nguyên tắc đã được quy định trong Hiến pháp là “Chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm được bảo đảm”.
 
    Loại ý kiến thứ hai cho rằng, để bảo đảm giải quyết nhanh gọn, kịp thời những vụ án đơn giản, chứng cứ đã rõ ràng, bảo đảm việc giải quyết nhanh chóng, hiệu quả, đỡ tốn kém thời gian và chi phí cho đương sự thì cần quy định trường hợp vụ án được xét xử theo thủ tục rút gọn thì bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.
 
    7- Về căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm
 
    Loại ý kiến thứ nhất đề nghị giữ như quy định hiện hành về căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm. Theo đó, tất cả các bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mà phát hiện có sai lầm nghiêm trọng không chỉ về việc áp dụng pháp luật mà cả vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng… đều phải được xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm. Vì trong nhiều trường hợp, việc vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng các bản án, quyết định của Tòa án.
 
    Loại ý kiến thứ hai cho rằng, nếu quy định Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao giám đốc thẩm những vụ án mà bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của các Toà án nhân dân cấp cao bị kháng nghị thì về cơ bản lượng án giám đốc thẩm thuộc thẩm quyền giải quyết của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao không khác so với hiện nay và sẽ quá tải đối với Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao. Trong khi đó, theo quy định của Luật tổ chức Toà án nhân dân (sửa đổi) thì tổ chức bộ máy của Toà án nhân dân tối cao đã bị thu hẹp lại (không còn các Toà chuyên trách), số lượng thành viên Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao cũng bị hạn chế, chỉ có từ 13 đến 17 người. Vì vậy, cần phân định căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng đối với bản án, quyết định sơ thẩm, phúc thẩm đã có hiệu lực pháp luật thì căn cứ kháng nghị như quy định hiện hành; còn đối với quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Uỷ ban Thẩm phán Toà án nhân dân cấp cao thì chỉ được kháng nghị trong trường hợp có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật. 
 
    8- Về thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm
 
    Loại ý kiến thứ nhất đồng tình với việc cho phép Hội đồng giám đốc thẩm có quyền sửa một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật vì cho rằng, quy định này sẽ khắc phục thực tế giải quyết vụ án quay vòng nhiều lần, gây tốn kém về chi phí, thời gian của đương sự và Nhà nước. 
 
    Loại ý kiến thứ hai cho rằng, giám đốc thẩm là xét lại bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án; giám đốc thẩm không phải là một cấp xét xử. Vì vậy, quy định này có thể phá vỡ nguyên tắc 2 cấp xét xử, khiến cho giám đốc thẩm trở thành cấp xét xử thứ 3. Mặt khác, có thể ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự trong vụ án, vì họ sẽ mất quyền tranh tụng tại phiên tòa, mất quyền kháng cáo. Do đó, đề nghị không bổ sung quy định về thẩm quyền sửa bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
 
    9- Về thủ tục đặc biệt xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao
 
    Loại ý kiến thứ nhất tán thành với việc quy định thủ tục đặc biệt xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao trong Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi). Việc quy định cơ chế cho phép Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao tự xem xét lại quyết định của mình là không trái với quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật tổ chức Toà án nhân dân năm 2014, vì quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao không bị kháng nghị mà đây là thủ tục Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao tự xem xét lại quyết định của mình khi có yêu cầu của Ủy ban thường vụ Quốc hội, kiến nghị của Ủy ban tư pháp của Quốc hội, kiến nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. 
 
    Loại ý kiến thứ hai cho rằng, để bảo vệ sự tôn nghiêm của pháp luật, biểu tượng công lý của quốc gia và việc xét xử phải có điểm dừng, đề nghị không quy định thủ tục đặc biệt này trong dự thảo Luật.
 
    10- Về người đại diện trong tố tụng hành chính
 
    Loại ý kiến thứ nhất đề nghị quy định người bị khởi kiện không được ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng hành chính vì cho rằng người ra quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khởi kiện phải tham gia tố tụng để bảo đảm thực hiện việc tranh tụng tại phiên tòa. 
 
    Loại ý kiến thứ hai cho rằng, nếu quy định người bị khởi kiện phải ra hầu tòa thì rất cứng nhắc, khó khả thi vì quyền được ủy quyền là quyền của mọi công dân đã được quy định trong Bộ luật dân sự, việc bắt buộc Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND phải có mặt tại phiên tòa sẽ làm ảnh hưởng đến việc thực hiện và hoàn thành các nhiệm vụ, quyền hạn khác của họ. Do vậy, đề nghị vẫn cho phép người bị khởi kiện được ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng hành chính; tuy nhiên, cần sửa đổi, bổ sung quy định về việc người đại diện ủy quyền cho thật chặt chẽ, khắc phục những bất cập trong việc ủy quyền cho những người không có đủ thẩm quyền trong việc xử lý các quyết định hành chính, hành vi hành chính có liên quan khi tham gia tố tụng. 
 
    11- Về xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng hành chính
 
    Loại ý kiến thứ nhất đề nghị không quy định một chương riêng về việc xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng hành chính trong Luật tố tụng hành chính, vì Luật tố tụng hành chính là luật tố tụng; do đó, chỉ nên quy định nguyên tắc xử lý đối với cá nhân, cơ quan, tổ chức vi phạm trách nhiệm, nghĩa vụ đã được Luật tố tụng hành chính quy định để làm cơ sở cho việc xây dựng luật về xử lý đối với các hành vi cản trở hoạt động tố tụng.
 
    Loại ý kiến thứ hai đề nghị quy định một chương riêng về việc xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng hành chính ngay trong Luật tố tụng hành chính. Tuy nhiên, chỉ quy định những hành vi cản trở hoạt động tố tụng hành chính bị xử lý và hình thức xử lý đối với người vi phạm, còn mức xử lý thì giao cho Uỷ ban thường vụ Quốc hội hoặc Toà án nhân dân tối cao quy định cụ thể.
Theo Trang Web: Ban Nội chính TW