Nghi lễ tang ma của người Sán Dìu – Từ góc nhìn văn hóa

Phạm Thị Phương Thái, là Tiến sĩ Văn học nhưng chị lại khá say sưa nghiên cứu văn hóa tộc người dưới giác độ của nhà Dân tộc học hơn là nhà nghiên cứu văn chương; cùng nhiều chuyến đi lăn lộn với sinh viên đến các vùng đồng bào dân tộc ít người Vùng Núi phía Bắc của Tổ quốc, chị và các học trò của mình đã “bới đất tìm quặng” được nhiều những thành công vang dội… Lần đầu tiên tổng hợp và biên soạn một trong số các kết quả thu được đó là cuốn sách chuyên khảo: Nghi lễ tang ma của người Sán Dìu...

                 Phạm Thị Phương Thái, là Tiến sĩ Văn học nhưng chị lại khá say sưa nghiên cứu văn hóa tộc người dưới giác độ của nhà Dân tộc học hơn là nhà nghiên cứu văn chương; cùng nhiều chuyến đi lăn lộn với sinh viên đến các vùng đồng bào dân tộc ít người Vùng Núi phía Bắc của Tổ quốc, chị và các học trò của mình đã “bới đất tìm quặng” được nhiều những thành công vang dội… Lần đầu tiên tổng hợp và biên soạn một trong số các kết quả thu được đó là cuốn sách chuyên khảo: Nghi lễ tang ma của người Sán Dìu – từ góc nhìn văn hóa.

              Theo cuốn sách hành trình nhân sinh của đời người là một chặng đường dài mà trên đó có những đoạn, những khúc, những ngã rẽ và những chạm nghỉ chân nối tiếp. Từ khi ở cữ, đầy tháng, thôi nôi, đặt tên, cúng mụ…đến lúc  “tam thập nhi lập”  tính chuyện “tậu trâu – cưới vợ - làm nhà” , rồi khao vọng, vinh quy, làm cai, lên lão, mừng thọ, trăm tuổi, thay áo, đoạn tang… Mỗi đoạn đường lại được đánh dấu bằng một nghi lễ nhất định. Trong hệ thống những nghi lễ vòng đời đó, đám tang là điểm dùng chân cuối cùng, kết thúc chặng đường nhân sinh, khởi đầu cho hành trình phiêu du của linh hồn về với tổ tiên. Vì thế cuốn sách “ Nghi lễ tang ma của người Sán Dìu”  là cuốn sách chuyên khảo có sự kế thừa kết quả nghiên cứu và ý kiến góp ý của nhiều nhà khoa học và đặc biệt là sự hợp tác, giúp đỡ nhiệt thành của các cộng tác viên và đồng bào dân tộc Sán Dìu trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang,Vĩnh Phúc, Thái Nguyên…góp phần cho bạn đọc hiểu thêm về văn hóa tang ma của người Sán Dìu. Nội dung của cuốn sách chủ yếu miêu tả chân thực về nghi thức tang lễ của người Sán Dìu được trình bày trong 3 chương.

            Chương 1 Tổng quan nghiên cứu về người Sán Dìu ở Việt Nam về nhiều khía cạnh( nguồn gốc, địa bàn cư trú), vài nét văn hóa của tộc người Sán Dìu(về tổ chức xã hội, nhà ở, trang phục truyền thống, đặc biệt là hát Soong cô là sản phẩm văn hóa tinh thần đặc sắc), văn hóa của người Sán Dìu về tín ngưỡng tâm linh(quan niệm về thế giới quan, quan niệm về cái chết, quan niệm về linh hồn,hồn ma) và vị trí của tang ma trong chu kì vòng đời.

            Chương 2 Nghi thức tang lễ của người Sán Dìu về những nghi thức chung như: nghi lễ tắm rửa cho người chết, lễ báo tang, phát tang, nghi lễ đón thầy cúng, nghi lễ cúng áo quan, nghi lễ khâm niệm, nghi lễ đưa ra đồng…bên cạnh đó còn các cách thức tiến hành làm ma cho từng trường hợp(nghi lễ làm ma cho người học thầy, nghi lễ làm ma cho phụ nữ có con, cho người chết bất thường,cho người không học thầy, cho trẻ em)

           Chương 3 Nét đặc sắc trong nghi lễ tang ma người Sán Dìu, nghi lễ tang ma của mỗi tộc người trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam đều có những nét riêng. Tang ma Sán Dìu không chỉ thể hiện niềm đau xót, tấm lòng hiếu nghĩa của con cháu với người đã khuất, thông qua các nghi lễ mà còn thông qua các vật thiêng, đồ cúng tế sử dụng trong đám tang như tranh thờ, dấu ấn phật giáo, dao cùn…thể hiên quan niệm về cuộc sống, con người, thế giới tâm linh một cách rõ nét, phong phú.

            Tác giả cuốn sách đi sâu phân tích những xu hướng biến đổi nghi lễ tang ma của người Sán Dìu và khẳng định, nghi lễ tang ma đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa tộc người. Nguyên nhân của sự biến đổi nghi lễ xuất phát từ những thay đổi khách quan về diện mạo kinh tế, xã hội, văn hóa, chính sách pháp luật chung của đất nước và yếu tố chủ quan (sự giao lưu tiếp biến văn hóa với các tộc người khác). Đây là tư liệu nghiên cứu khoa học hữu ích cho cơ quan quản lý Nhà nước tham khảo xây dựng chính sách phù hợp nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của người Sán Dìu ở Việt Nam.

         Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn pháp luật xin trân trọng  giới thiệu đến độc giả cuốn sách do Nhà xuất bản  Đại học Thái Nguyên ấn hành năm 2014 của TS PHạm Phương Thái, trưởng Khoa Văn xã hội – Trường Đại học Khoa học Thái Nguyên làm chủ biên. Hy vọng rằng cuốn sách sẽ cung cấp cho các nhà chuyên môn cũng như độc giả quan tâm, tìm hiểu về những phong tục, tập quán, nghi lễ gia đình của dân tộc thiểu số nói chung và dân tộc Sán Dìu nói riêng.

                                                                         

                                                                                                                                                                    Xin trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

 

 

 

Thúy Quỳnh