Thế Sự - Một góc nhìn

Cuốn sách là tập hợp những bài viết đã đăng báo nhưng cũng là tập tiểu luận của một nhà khoa học tâm huyết với những vấn đề thời cuộc của TS Nguyễn Sĩ Dũng từ năm 2000.

Bìa sách

           Những vấn đề trọng đại của đất nước và toàn thể xã hội nhưng được soi chiếu bằng một góc nhìn giản dị, dễ hiểu, có đôi chút hóm hỉnh. Cách viết ngắn gọn, mạch lạc, đậm chất báo chí. Đó là cuốn sách "Thế sự - Một góc nhìn" của TS Nguyễn Sĩ Dũng.

          Cuốn sách là tập hợp những bài viết đã đăng báo nhưng cũng là tập tiểu luận của một nhà khoa học tâm huyết với những vấn đề thời cuộc của TS Nguyễn Sĩ Dũng từ năm 2000. "Thế sự - Một góc nhìn" do NXB Tri thức ấn hành năm 2007 có 314 trang. Đó là 92 bài báo - 92 tiểu luận về muôn mặt thế sự. Văn phong của "Thế sự - Một góc nhìn" giản dị, ngắn gọn, dễ hiểu, giàu tính duy lý của phương tây.

          Thế sự nặng trĩu ưu tư mà có lúc nhẹ tựa lông hồng: khi minh triết, khi hài hước, dí dỏm, thâm thúy. Cuốn sách là một góc nhìn mới, có tính gợi mở về những đề tài muôn thuở của nhà nước và xã hội.

          Với tầm nhìn của một hiền triết, các vấn đề phức tạp trong đời sống kinh tế xã hội đã được ông cắt ra bởi những “lát cắt sắc sảo” và diễn đạt lại bằng một cách giản dị, sáng tỏ và dễ hiểu. Cuốn sách không chỉ cung cấp cho ta rất nhiều những tri thức, mà còn mời gọi độc giả vào một lối tư duy lôgic sắc sảo trong việc nhận thức và phản biện các vấn đề trong đời sống xã hội ngày nay.

          Cuốn sách thể hiện một tính cách và một trí tuệ nhà khoa học. Đây là một tác phẩm tâm huyết của tác giả cuốn sách - TS Nguyễn Sĩ Dũng bởi như ông nói: đây là một món quà tặng bạn đọc, một món quà tặng Thanh Trà và hai con.

          Đất nước ta đang trong quá trình chuyển đổi và hội nhập. Những vấn đề mới đang phát sinh hàng ngày, hàng giờ. Đó là những vấn đề không chỉ mới mẻ, mà còn khó khăn. Với những khuôn khổ tư duy và khái niệm cũ, không phải bao giờ chúng ta cũng dễ dàng nhận rõ được bản chất của các vấn đề và tìm được những lý giải phù hợp. Trong bối cảnh như vậy, các bài viết của TS. Nguyễn Sĩ Dũng có thể cung cấp cho chúng ta một góc nhìn mới với nhiều gợi mở. Với góc nhìn của ông, nhiều vấn đề đã được lý giải một cách thấu đáo, mạch lạc, nhiều giải pháp hợp lý cũng được kiến nghị.

         Cuốn sách được chia làm hai phần:

         Phần một: Nhà nước và pháp luật – từ một cách nhìn

         Phần đầu của cuốn sách mang đến cho chúng ta một góc nhìn riêng về Nhà nước và pháp luật của tác giả. Đó là về Người đại biểu nhân dân và Chuyện làm Luật. 2 chương tách biệt tưởng như không có liên hệ gì với nhau nhưng thực sự lại khác. Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) luôn là đề tài chưa có hồi kết ở Việt Nam. Dân chủ trực tiếp hay Dân chủ đại diện? Nâng cao chất lượng ĐBQH như thế nào, ĐBQH chuyên trách hay chuyên nghiệp?...Ông cho rằng làm nghề đại biểu thực chất là làm 2 việc sau đây: làm cho cử tri vừa lòng và hoạt động có hiệu quả ở Quốc Hội. Bên cạnh đó, tác giả cũng đề cập đến Trách nhiệm pháp lý và Trách nhiệm chính trị? Chúng có liên hệ gì với nhau? Hỗ trợ nhau như thế nào? Để trả lời được những câu hỏi trên thực sự không phải là dễ. Từ chuyện ĐBQH, tác giả đã bàn đến một phạm trù rộng hơn: Quốc hội với vai trò giám sát, với phương châm “Nhất Ngoạn, nhì Trân, tam Lân, tứ Quốc”. Ở Chương I, tác giả cũng bình luận ngắn về một số kỳ họp của Quốc Hội khóa XI. Từ chuyện ĐBQH và QH, Nguyễn Sĩ Dũng đã bàn đến chuyện làm Luật ở nước ta hiện nay với các vấn đề như: Triết lý của lập pháp, Lý thuyết lập pháp, góp phần hiện đại học công nghệ làm Luật, đổi mới quy trình lập pháp, luật khung hay Luật chi tiết...Hầu như các góc cạnh của chuyện làm luật đã được tác giả bàn đến một cách chi tiết, cặn kẽ, có những góc nhìn mới làm thay đổi hẳn một số quan niệm hiện nay. Có một số điều mà lâu nay chúng ta ít để tâm đến, không mấy luận bàn nhưng tác giả đã đề cập và đánh giá rất thú vị (như chuyện Pháp luật điều chỉnh hành vi, Chuyện nợ và treo)...

          Phần hai: Bàn luận xung quanh các vấn đề kinh tế, xã hội

          Pháp luật và xã hội là 2 phạm trù có liên quan mật thiết với nhau. Tác động của pháp Luật đến xã hội là vô cùng và ngược lại. Trong phần này, tác giả đề cập đến các vấn đề kinh tế nóng hổi như: cách nhìn về hội nhập, tài sản vô hình, độc quyền có lợi cho ai?; Bàn về cải cách giáo dục như: Một ngôi nhà cũ kĩ, đối xử với tương lai, nhân tài ở đâu ra...; Mạn đàm về các vấn đề xã hội như: giải pháp cho vấn đề của giá thuốc, về sự cấm đoán và cuộc sống, cơm tù, phố cổ với thời gian, Hà Nội là của ai?, thế hệ @... Tất cả đều hiển hiện dưới ngòi bút của tác giả một cách chân thực. Tác giả luận bàn một cách nhẹ nhàng, không mạnh mẽ nhưng lại có sức nặng. Mục đích đã rõ, ý tưởng cũng sâu sắc. Thật sự đó mới là một giọng điệu của một kẻ “sĩ phu quân tử”.

          Thế sự - một góc nhìn – tên cuốn sách được đặt một cách giản dị như thế, nhưng quả thật là trong đó đã chứa đựng nhiều hơn thế. Không chỉ là những kiế thức uyên thâm mà còn là những vấn đề tâm huyết của tác giả:

Chúng ta đang sống trong thời điểm bước ngoạt của xã hội loài người, Tính chất bước ngoặt của thời đại thể hiện ở sự chuyển đổi của thế giới từ nền kinh tế hậu công nghiệp sang nền kinh tế tri thức và từ nền văn minh vật chất sang nền văn minh tinh thần. Trong thế giới đang thay đổi nhanh chóng đó …. Những hy sinh, mất mát của dân tộc ta trng thế kỷ XX liệu có chuộc lại bởi sự thịnh vượng trong thế kỷ đang tới hay không phụ thuộc rất nhiều và sự sáng suốt của chúng ta hôm nay”.

          Để tìm kiếm những cơ hội, vượt qua những thách thức, một khả năng chuyên môn giỏi là điều không thể thiếu đối với mỗi bạn trẻ. Nhưng các kiến thức về văn hóa xã hội cũng là vô cùng cần thiết. Tôi thiết nghĩ đây thực sự là một cuốn sách rất đáng đọc, và chắc chắn sẽ phần nào thỏa mãn nhu cầu kiến thức xã hội của các bạn trẻ.

          Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn Pháp luật trân trọng giới thiệu tới các bạn cuốn sách này.