Tranh luận ngược về thẩm quyền xét xử vụ án hành chính

Khởi kiện vụ án hành chính là việc công dân, tổ chức đệ đơn ra Tòa án đề nghị phân giải về tính hợp pháp của hành vi hành chính hoặc quyết định hành chính do người có thẩm quyền hành chính thực hiện, họ cho rằng đã xâm hại đến lợi ích của họ. Vụ kiện này thường gọi là "dân kiện quan", đây là quyền con người trong một xã hội dân chủ... tuy nhiên ai xử ai, tính khách quan như thế nào không phải lúc nào cũng đồng thuận.

      Thảo luận Bộ luật Tố tụng hành chính sửa đổi tại QH ngày 23 tháng 6, nhiều đại biểu hoạt động trong các cơ quan tư pháp, lập pháp là chuyên gia phản biện đưa ra các ý kiến sắc đáng. ĐB Trần Du Lịch cho hay thực tế có chuyện giữa quyết định hành chính của chính quyền và lãnh đạo của cấp ủy không có ranh giới. Có nghĩa là nhiều quyết định của người đứng đầu cơ quan hành chính chỉ là cụ thể hóa quyết định của cấp ủy như việc thu hồi đất, đầu tư... Phân tích bổ sung ông Lịch,  nhấn mạnh “Những chuyện dân kiện tới chủ tịch huyện có nghĩa cấp ủy đã quyết rồi, đã bàn rồi và đây là vấn đề tế nhị. Người dân gặp tôi nói ông Lịch ơi ông đừng xúi tôi về huyện kiện vì mất công” . từ đó ông lịch đề xuất  không đem việc khó giao cho thẩm phán huyện.

        Ngay lập tức ông Huỳnh Nghĩa ( đại biểu TP Đà Nẵng) đề nghị QH giữ nguyên thẩm quyền xét xử án hành chính của tòa án cấp huyện như hiện tại để thuận lợi, giảm thời gian đi lại cho nhân dân trong quá trình giải quyết vụ án. Đưa thẩm quyền lên một cấp là người  dân phải đi lại tốn kém hơn, chính quyền xa dân hơn. Cùng đồng ý kiến của ông Nghĩa, ông Nguyễn Bá Thuyền đại biểu QH tỉnh Lâm Đồng cho rằng nếu tăng cường thẩm quyền của tòa huyện từ xét xử 2 năm tù giam lên 15 năm thì không có lý do gì trình độ cán bộ tòa cấp huyện yếu.

       Phản biện lại ý kiến của hai đại biểu trên đông Đỗ Xuân Đương phân tích nguyên nhân chính khiến án hành chính cấp huyện bị hủy nhiều không phải do trình độ mà do thẩm phán ngại va chạm với chính quyền, ông Đương  ủng hộ dự thảo nên giao cho tòa án tỉnh thụ lý giải quyết đối với khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của chủ tịch hoặc của UBND huyện.

      Ông Nguyễn Bá Thuyền cho rằng không thể vì cho rằng thẩm phán không dám đối đầu với chính quyền địa phương dồn tất cả lên cấp tỉnh, người dân phải đi rất xa để kiện một vụ án hành chính.  Lấy ví dụ về địa phương ông, ông Thuyền cho hay: “Ở Lâm Đồng, từ cấp huyện lên cấp tỉnh gần 300 cây số để đi kiện thì việc này rõ ràng trở ngại cho dân, người dân muốn gần để tiếp cận công lý thuận hơn”.  ĐB Đỗ Văn Đương phản bác lại khi cho rằng dồn án hành chính lên tòa tỉnh không thể bảo là xa dân vì 80% khiếu kiện hành chính ở cấp huyện, cấp tỉnh chủ yếu về đất đai, chủ yếu ở thành phố lớn, những tỉnh đô thị hóa mạnh mẽ, còn vùng sâu, vùng xa ít khi kiện về đất đai.

        Tranh luận nóng thêm khi ông Ngô Văn Minh (đại biểu tỉnh Quảng Nam) phát biểu  đồng tình phải mở rộng thẩm quyền như dự thảo, chuyển án hành chính từ cấp huyện lên tỉnh xử, cấp tỉnh lên tòa án cấp cao xử sẽ hay hơn.“Tôi không dám đánh giá đội ngũ thẩm phán của cấp huyện hay tỉnh yếu kém. Các đồng chí đảm bảo đủ tất cả trình độ năng lực, kể cả bản lĩnh. Nhưng dù có bản lĩnh trời đi nữa mà một "a lô" tới là thôi rồi. Khó lắm”, ông Minh nhấn mạnh. Ông đề nghị dự thảo luật theo tinh thần không sợ dân phải đi xa mà sợ phải xa dân. Dù dân có đi xa hơn nhưng niềm tin vào công lý tốt hơn thì dân sẽ cố gắng đi xa, độ an toàn pháp lý tốt hơn.

 

          Với những vụ "dân kiện quan", ĐB Trần Du Lịch đề nghị Bộ luật Tố tụng hành chính làm sao phải bảo vệ bên đi kiện là người yếu thế. Các quy định từ khởi kiện, tranh tụng, xét xử và thi hành án cần theo hướng trao công lý cho những người yếu thế.

         ĐB Trần Văn Độ (An Giang) cũng nhìn nhận trong những vụ án dân kiện quan, dân thường ở thế yếu và khả năng vi phạm từ phía người có thẩm quyền. Ông Độ cho rằng đã là công lý thì không nên có khu biệt, phải mở rộng thẩm quyền xét xử hơn nữa;  Ông đề nghị quy định thẩm quyền của tòa án đối với khiếu kiện các quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ. Bởi các quyết định hành chính mang tính nội bộ không đơn thuần là chỉ đạo, điều hành mà rất nhiều quyết định liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Ông Độ nêu "Hiện nay, những vụ việc này giải quyết theo con đường khiếu nại, mà khiếu nại thì thủ trưởng quyết định, thủ trưởng giải quyết, rồi thủ trưởng cấp trên giải quyết, cơ chế đó là “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.

        Tuy nhiên, ĐB Phạm Xuân Thường (Đại biểu tỉnh Thái Bình) lại cho rằng không nên mở rộng thẩm quyền của tòa án đối với các khiếu kiện về quyết định nội bộ cơ quan. Ông này lập luận “Nếu đưa nội dung này vào, tôi không biết tòa án sẽ phải có bao nhiêu việc trong một năm, đặc biệt sẽ làm rối loạn các cơ quan chứ không phải bình thường như bây giờ”.

       Phiên họp thảo luận đã khép lại, nhưng dù sao những ý kiến trái ngược nhau cũng đều có căn nguyên và lý lẽ của người đưa ra nó; song nhìn tổng quan chính quyền của dân phải phấn đấu phục vụ tốt nhất cho người dân, mang lại công lý cho mọi người khi phán xét các tranh chấp. Chính quyền (cơ quan công quyền) là công bộc của dân càng không thể giành thuận lợi cho mình đây là hướng đi mà xã hội văn minh hướng đến. Hy vọng các đại biểu Quốc hội có thêm nhiều thông tin, cái nhìn đa chiều để quyết định ấn nút Bộ luật Tố tụng hành chính với các quy định phù hợp nhất như các Nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp đã xác định.

 

Lưu Bình Dương tổng hợp báo chí