Về các bài ra lệnh tạm giữ ngay sau khi bắt khẩn cấp đúng hay sai?

Thời gian gần đây Tạp chí Kiểm sát có đăng một số bài viết trao đổi: Về việc cơ quan điều tra ra lệnh tạm giữ ngay sau khi bắt khẩn cấp của nhiều đồng chí trong ngành Kiểm sát với hai loại quan điểm về vấn đề thực hiện chế định bắt khẩn cấp và chế định tạm giữ trong trường hợp bắt khẩn cấp. Chúng tôi xin điểm qua để bạn đọc nắm được:

           * Vấn đề thứ nhất: Quan hệ giữa chế định  bắt người trong trường hợp khẩn cấp với chế định tạm giữ người ở trường hợp này được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự có hai quan điểm khác nhau:

          - Quan điểm 1: Cho là đã bắt người trong trường hợp khẩn cấp thì phải bị tạm giữ vì khi quyết định bắt khẩn cấp cơ quan điều tra đã xác định thấy cần phải cấp bách ngăn chặn người nào đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, đã phạm tội nhưng có biểu hiện trốn hoặc tiêu hủy nguồn chứng cứ. Không tạm giữ người bị bắt khẩn cấp là không thực hiện đúng tính chất của việc bắt người trong trường hợp khẩn cấp (Quan điểm của tác giả Nguyễn Hải Phùng - TCKS 7/2002 trang 37)

          - Quan điểm 2: Khẳng định là người đã bị bắt trong trường hợp khẩn cấp thì không nhất thiết phải bị tạm giữ vì Điều 68 Bộ luật tố tụng hình sự dùng từ “có thể” có nghĩa là khi bắt người trong trường hợp khẩn cấp có thể bị tạm giữ hoặc cũng không bị tạm giữ (tác giả: Lương Quang Tuấn – TCKS 9/2002, Hoàng Mạnh Thường - TCKS 12/2001, Tiến sĩ Đỗ Văn Đương – TCKS 3/2001).

        * Vấn đề thứ 2: Đối với người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp, cơ quan điều tra xét cần thiết phải tạm giữ, đã ra lệnh tạm giữ ngay khi Viện kiểm sát nhân dân chưa phê chuẩn việc bắt khẩn cấp có hai quan điểm:

          + Quan điểm 1: Cơ quan điều tra sau khi bắt người trong trường hợp khẩn cấp không có quyền ra lệnh tạm giữ khi chưa có sự phê chuẩn của Viện kiểm sát là đúng với Bộ luật tố tụng hình sự (tác giả: Lương Quang Tuấn - TCKS 9/2002, Hoàng Mạnh Thường - TCKS 12/2001, Vũ Trần Thành – TCKS 7/2001).

          + Quan điểm 2: Cơ quan điều tra sau khi bắt người trong trường hợp khẩn cấp có quyền ra lệnh tạm giữ khi chưa có sự phê chuẩn của của Viện kiểm sát (Tác giả: tiến sĩ Đỗ Văn Đương – TCKS 3/2001, Lê Thanh Cảnh – TCKS 9/2001, Nguyễn Hải Phùng - TCKS 7/2002).

          Sau khi nghiên cứu quan điểm của sáu tác giả về hai vấn đề ở trên, chúng tôi nhất trí với quan điểm thứ hai ở vấn đề thứ nhất. Bởi lẽ tinh thần điều luật đã rất rõ ràng. Còn ở vấn đề thứ hai chúng tôi nhất trí với quan điểm thứ nhất và khẳng định rằng: Trong mọi trường hợp bắt khẩn cấp nếu chưa có sự phê chuẩn việc bắt khẩn cấp của Viện kiểm sát nhân dân, nếu xét cần thiết tạm giữ người đã bị bắt, mà cơ quan điều tra đã ra lệnh tạm giữ ngay là trái với quy định của luật Tố tụng hình sự. Quan điểm này được luận giải trên các cơ sở sau đây:

          a. Cơ sở Hiến pháp: Hiến pháp là đạo luật cơ bản của nhà nước ta có hiệu lực pháp lý cao nhất, mọi văn bản pháp luật khác phải phù hợp với Hiến pháp. Tại điều 71 Hiếp pháp 1992 Quy định: “không ai bị bắt, nếu không có quyết định của Tòa án nhân dân; quyết định hoặc phê chuẩn của viện kiểm sát nhân dân trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt và giam giữ người phải đúng pháp luật ” theo Điều 71 này thì một người không phạm tội quả tang mà bị bắt chỉ khi có một trong ba loại quyết định là:

          - Quyết định của Tòa án nhân dân.

          - Quyết định của Viện kiểm sát nhân dân.

          - Phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân.

          Trong Bộ luật tố tụng hình sự có quy định về việc bắt người trong trường hợp khẩn cấp tại Điều 63, căn cứ vào lời văn điều luật ở khoản 4: “trong mọi trường hợp việc bắt khẩn cấp phải được báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp bằng văn bản kèm theo tài liệu liên quan đến việc bắt khẩn cấp để xét phê chuẩn Viện kiểm sát phải kiểm sát chặt chẽ căn cứ bắt khẩn cấp quy định tại điều này. Nếu Viện kiểm sát không phê chuẩn thì phải trả tự do ngay cho người bị bắt”. Chúng tôi hiểu rằng việc bắt khẩn cấp chỉ coi là hoàn thành (đúng pháp luật) khi việc bắt khẩn cấp đó được Viện kiểm sát phê chuẩn (ở đây chúng tôi không bàn đến bản thân quyết định phê chuẩn của Viện kiểm sát có phê chuẩn đúng hay không). Như vậy vấn đề đặt ra đã rõ ràng, theo Hiến pháp một người chỉ bị coi là bị bắt khi đã có một trong ba quyết định nêu ở trên nếu như không bị bắt khi phạm tội quả tang hoặc truy nã. Việc một người nào đó bị bắt thuộc một trong các trường hợp khẩn cấp mà chưa được Viện kiểm sát phê chuẩn thì việc bắt đó là chưa hoàn thành, mà chỉ được coi là các bước thực hiện việc bắt khẩn cấp. Việc bắt người đó chưa hoàn thành thì chưa thể áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giữ tiếp theo đối với họ theo khoản 1 Điều 65 và khoản 1 Điều 68 Bộ luật tố tụng hình sự dù cơ quan điều tra có cho là cần thiết – bởi theo Hiến pháp là trái pháp luật.

          Từ khi có Bộ luật tố tụng hình sự các khoản 4 Điều 63 và Điều 68 đã được sửa đổi cho phù hợp với điều kiện khách quan, xong quy định bắt khẩn cấp và tạm giữ hiện hành chưa một lần nào được cơ quan có thẩm quyền hay diễn đàn khoa học nào đặt vấn đề là trái Hiến pháp, và như vậy theo lôgic tất yếu chỉ có thể hiểu theo quy định của Hiến pháp.

          b. Cơ sở thực tiễn hoạt động điều tra: Việc bắt nói chung và bắt khẩn cấp nói riêng trong điều tra hình sự không chỉ là biện pháp ngăn chặn tố tụng mà còn là hoạt động tác nghiệp điều tra của cơ quan điều tra. Do đó bắt khẩn cấp phải đảm bảo ba yêu cầu của hoạt động tác nghiệp điều tra là: Yêu cầu về chính trị, yêu cầu về pháp luật, yêu cầu về nghiệp vụ. Yêu cầu về nghiệp vụ trả lời câu hỏi bắt ai, khi nào, bắt thế nào, thì yêu cầu pháp luật đặt ra là bắt theo trường hợp nào, thủ tục thế nào, thời điểm nào hoàn thành. Việc bắt khẩn cấp chỉ coi là đạt được khi đảm bảo 3 yêu cầu đó. Ở đây một phần nhỏ trong các yêu cầu pháp luật đặt ra cho cơ quan điều tra là đối với trường hợp đã bắt khẩn cấp về xét cần phải tạm giữ thì thời hạn đề nghị Viện kiểm sát phê chuẩn phải trong hạn dưới 24 giờ. Nếu Viện kiểm sát phê chuẩn thì ra lệnh tạm giữ, nếu không phê chuẩn thì trả tự do. Chính vì vậy tại khoản 4 Điều 63 Bộ luật tố tụng hình sự mới giành cụm từ “báo ngay”.

          - Trong thực tiễn nhiều đồng chí trong ngành Kiểm sát và cả cơ quan điều tra cho là cơ quan điều tra khó, thậm chí là không thể báo cho Viện kiểm sát ngay trong hạn 24 giờ để phê chuẩn được vì cơ quan điều tra còn phải lấy lời khai, xác minh, hoặc không biết “để” người bị bắt khẩn cấp ở đâu…theo quan điểm của chúng tôi đây là lý do không đúng bởi lẽ cơ quan điều tra khi bắt phải đảm bảo 3 yêu cầu pháp luật điều tra trong đó yêu cầu tác nghiệp là bắt buộc, cơ quan điều tra có cả thời hạn 24 giờ để làm điều này chứ không phải là để ra lệnh tạm giữ ngay hoặc làm việc khác.

          Vấn đề thuộc trách nhiệm của ngành Kiểm sát đặt ra là: Nếu cơ quan điều tra làm hết trách nhiệm trong thời hạn dưới 24 giờ đã báo và gửi kèm hồ sơ để Viện kiểm sát xét phê chuẩn rồi – thì Viện kiểm sát phê chuẩn khi nào?

          Theo tác giả Nguyễn Văn Đông – (TCKS 7/2002, trang 57) cho là Viện kiểm sát cũng phải phê chuẩn ngay hoặc nếu không phê chuẩn cũng phải có ý kiến ngay. Chúng tôi hoàn toàn nhất trí với ý kiến này và xin phân tích thêm: theo tinh thần của Bộ luật tố tụng hình sự thì việc phê chuẩn của Viện kiểm sát không nêu rõ là thuộc thẩm quyền của Viện trưởng, Phó Viện trưởng, hay Kiểm sát viên do đó theo luật thì cả ba chức danh trên đều có quyền phê chuẩn. Xong trong bản quy định số 03/KSHS ngày 16 /10/1995 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định về thẩm quyền ký văn bản pháp lý của Viện kiểm sát nhân dân các cấp giai đoạn kiểm sát điều tra án hình sự, ở cấp huyện là Viện trưởng, Phó Viện trưởng, ở cấp tỉnh là Viện trưởng, Phó Viện trưởng hoặc Kiểm sát viên giữ các chức vụ Trưởng, Phó phòng kiểm sát điều tra được Viện trưởng ủy quyền - với quy định này để tiện cho việc báo và đề nghị phê chuẩn của cơ quan điều tra được kịp thời thì ngành kiểm sát nhân dân đã phải tổ chức trực nghiệp vụ, trong đó người trực nghiệp vụ nhất thiết phải là người có thẩm quyền phê chuẩn việc bắt khẩn cấp.

          c. Cơ sở Bộ luật tố tụng hình sự: Khi nghiên cứu các quan điểm 1 và 2 ở vấn đề thứ 2, các tác giả ủng hộ quan điểm 2 thường viện dẫn các Điều 63, khoản 1 Điều 65 Bộ luật tố tụng hình sự, còn các tác giả ủng hộ quan điểm 1 thường viện dẫn khoản 4 Điều 63 Bộ luật tố tụng hình sự. Như vậy phải chăng các khoản 4 Điều 63, khoản 1 Điều 65 và khoản 1 Điều 68 Bộ luật tố tụng hình sự có mâu thuẫn? vì theo quy luật lôgic không có thể có hai quan điểm trái ngược nhau đều đúng. Về vấn đề này theo quan điểm của chúng tôi thì các điều luật ở trên không có gì mâu thuẫn và chỉ có một cách hiểu thống nhất là cách hiểu xuất phát từ cơ sở Hiến pháp. Tại khoản 1 Điều 65 Bộ luật tố tụng hình sự nêu: “sau khi nhận người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp… cơ quan điều tra phải lấy lời khai ngay và trong thời hạn 24 giờ phải ra quyết định tạm giữ hoặc trả tự do cho người bị bắt”. Việc Điều luật ấn định thời hạn tối đa 24 giờ sau khi nhận người bị bắt là để hoàn thành thủ tục bắt (để phê chuẩn) việc hoàn thành có thể sớm hơn 24 giờ nhưng không được sau 24 giờ. Hoàn thành khi nào thì tạm giữ khi đó nếu thấy cần thiết.

          Từ sự phân tích ở trên chúng tôi một lần nữa khẳng định: Việc cơ quan điều tra sau khi bắt người trong trường hợp khẩn cấp không có quyền ra lệnh tạm giữ khi chưa có sự phê chuẩn việc bắt khẩn cấp của Viện kiểm sát là đúng với Bộ luật tố tụng hình sự và Hiến pháp 1992. Nội dung trao đổi ở trên chúng tôi chỉ trao đổi việc bắt người trong trường hợp khẩn cấp của cơ quan điều tra còn với các chủ thể khác có thẩm quyền theo quy định tại khoản 2 Điều 63 Bộ luật tố tụng hình sự không thuộc phạm vi bài viết này.

Lưu Bình Dương

(đăng lại bài viết trên tạp chí Kiểm sát số 11/2002)