Món quà Tết đầu năm Ngọ

Tà xuống xe một bên vai đeo cái túi khoác đựng đồ chắc là quần áo, tay bên phải đang cố giữ chặt vào người một vật gì đó trong bao tải và nó đang ngọ nguậy như muốn phá tung cái bao tải để thoát ra ngoài, người phụ xe xách theo sau Tà xách theo một bao tải nữa. Tà đến gần tôi, tôi nhận ra vật đang ngọ nguậy kia là một cái đầu con lợn thò ra đen nhánh.

  

          Những ngày tết đang dần qua đi, nhưng dư âm của tết thì vẫn còn ở lại, báo hiệu bởi những cơn mưa xuân lất phất, mang theo hơi xuân nhè nhẹ. Sau tết nhà cửa cũng cần dọn dẹp lại vài thứ, tôi cũng tranh thủ sửa lại vài chậu cây cảnh cho năm mới thêm lộc. Áo đang sắn đến tận khủy tay, hai bàn tay đang bốc đầy bùn đất thì cô con gái nhỏ gọi với vào:

           - Bố à, có điện thoại.
           - Của ai vậy con!
           - Chắc là của bạn bố người Hàn Quốc thì phải – con gái trả lời.
           - Không bố không quen ai người Hàn Quốc.
           - Nhưng mà tên như người Hàn Quốc ấy bố ạ: Sung A Ta.
           - Trời! Anh Sùng A Tà, sinh viên của Bố mà.

          Vội vàng rửa qua cái tay, bên kia cái giọng trầm trầm lơ lớ của cậu sinh viên người dân tộc Mông quen thuộc: “Thầy ơi em Tà đây, Thầy có ở nhà không? Không bận thì khoảng 8h tối Thầy đón em ở bến xe Thái Nguyên nhé, có việc em muốn nhờ Thầy”.

         Như lời hẹn gần 8h tối tôi đi xe máy ra bến xe Thái Nguyên, những ngày đầu năm mới vẫn còn vẹn nguyên cái không khí se se lạnh bởi những cơn mưa lất phất, chuyến xe khách Lào Cai – Thái Nguyên đã xuống vãn khách mà vẫn chưa thấy người cần gặp. Bỗng một cái đầu ló ra:

           - Thầy Dương, Thầy đi gần vào xe em còn đồ nữa chưa xuống được.

          Tôi nhận ra cậu học trò yêu quý của mình. Tà xuống xe một bên vai đeo cái túi khoác đựng đồ chắc là quần áo, tay bên phải  đang cố giữ chặt vào người một vật gì đó trong bao tải và nó đang ngọ nguậy như muốn phá tung cái bao tải để thoát ra ngoài, người phụ xe xách theo sau Tà xách theo một bao tải nữa. Tà đến gần tôi, tôi nhận ra vật đang ngọ nguậy kia là một cái đầu con lợn thò ra đen nhánh. Tà nhanh miệng:

          - Em về quê lên biếu Thầy con lợn.

         Thoáng chút tò mò, rồi bất ngờ và sau đó trào dâng lên cái cảm giác lúng túng, xúc động vì món quà biếu của cậu học trò thật thà chân chất, món quà ấy mộc mạc chân thành như chính tấm lòng cậu học trò người Mông của tôi. Chưa kịp nói lời cảm ơn Tà thì cậu phụ xe mang đồ hộ Tà nói với sang tôi:

         - Học trò quý nhất Thầy giáo đấy. Lúc nó lên xe mang theo con lợn tôi không chở vì xe khách không chở lợn – nhưng cậu nài nỉ mãi: em mang con lợn biếu thầy em, anh cho em đi không nó chết mất; cả xe ai cũng nói hộ nể lắm mới cho đi. Mà thầy thịt con này tiết canh và món nướng chắc là không chê được.

          Hai thầy trò lên xe đi về nhà tôi, Tà không quên dặn:

         - Con lợn này vợ em mua về nuôi được gần một năm, nó chỉ được khoảng 8, 9 kg thầy ạ; nhà em thả rông nên nó khỏe lắm, nó biết ăn cơm và rau, Thầy nuôi nhiều lắm một tuần thì thịt, không em sợ nó gầy đi vì bị nhốt.

          Nhà thì ở thành phố, không có vườn chỉ có tầng thượng là có thể nhốt được, còn chưa hình dung ra sẽ phải đối phó với “món quà” này thế nào. Tôi nói với Tà : “Thôi cứ về nhà Thầy trò mình ăn cơm rồi tính tiếp”. Cuối cùng thì tôi cũng đã chọn được một phương án đối phó với “anh bạn lợn”, đó là nhốt cậu ta vào một cái lồng gà chọi mang từ quê xuống khá chắc chắn, đặt ở tầng ba. Hai thầy trò đã làm xong nhiệm vụ của mình và không quên cho cậu lợn một bát nước và một nửa cái bắp cải. Thấy cậu có vẻ mệt vì phải đi xa, nên tôi cũng an tâm mà để cậu ta nằm nghỉ trên sân thượng mà không lường trước được những chiến tích mà “cậu chàng” sẽ làm hôm sau.

*

*       *

          Buổi sáng cả nhà đi làm, đến hết tiết học thứ 6 điện thoại của tôi có đến 13 cuộc gọi nhỡ, xem máy. Vợ gọi nhiều thế – Chắc là có chuyện chẳng lành – vì tôi biết tính vợ mình. Vừa gọi sang  điện thoại vợ, vợ tôi nói như quát:

          - Anh về nhà ngay, cái con lợn quý hóa của anh đang làm loạn nhà lên rồi. Em phát điên lên mất.

          Tôi không hiểu chuyện gì đã xảy ra: Con lợn – vợ – làm loạn – phát điên???...

          Về đến nhà mới phát hiện ra cái chuyện “cậu lợn” gây ra. Quả thật vợ tôi không phát điên mới là lạ. Chuyện là vậy: Buổi tối hôm trước hai thầy trò nhốt “cậu ta” vào một cái lồng gà đan bằng tre để tại sân thượng tầng ba, lúc ấy “cậu ta” mệt vì đi xe cả ngày nên nằm im. Hai thầy trò quên không đóng cửa sân thượng vào nhà. Sáng ra cả nhà đi làm vắng “cậu ta” dậy và thấy đói; sau khi nhậu xong một nửa cái bắp cải chắc là vẫn đói. Với sức lực hoang dã của mình, cái lồng gà của tôi chỉ chịu được một hai nhát cắn và vài cú đạp của nó là tan hoang. Con lợn tự do đi ngược xuống cầu thang, xuống tầng hai vào phòng ngủ của vợ chồng tôi lục tung quần áo, chăn chiếu, đồ đạc để tìm đồ ăn. Không thấy gì có thể cho vào bụng - chắc là điên tiết cắn nát cái khăn để lau chân để trước cửa buồng, từng mảnh văng tung tóe trên sàn nhà. Đã vậy không giữ phép lịch sự “cậu ta” còn đại tiện giữa phòng...tủ sách của con gái bị hất đổ, lọ mực Cửu Long chảy lênh láng, đen kịt trên sàn nhà.... “Cậu ta” tiếp tục xuống tầng một, vào bếp - cái đầu tiên ăn được là mấy mớ rau cải xanh, nhưng chắc không hợp khẩu vị cậu chỉ cắn và xé mà không ăn. Con lợn nhảy được lên bệ bếp gặp mùi thơm của nồi cơm nếp đã hất văng nồi cơm xuống sàn, cơm đổ ra tung tóe và “cậu” được một bữa no nê. Sau khi đi lang thang qua phòng khách phát hiện ra chậu hoa Địa Lan nhà tôi mua ngày Ba mươi tết “cậu ta” cầy tung lên bới đất, lật cỏ... khiến cho căn nhà tôi trông như vừa trải qua một “cuộc chiến” hoang tàn.

          Vợ tôi làm về, mở cửa giật mình hoảng hốt: Trời! nhà mình như bị trộm vậy. Không tin vào mắt mình đủ thứ lộn xộn, đổ vỡ,... Bỗng chợt cậu ta từ góc nhà lao vọt ra miệng thì ọc, ọc...vợ tôi giật mình tránh được cú lao thất thần nhảy lên ghế. Cậu ta chạy về phía cửa, ra ngoài đường. Anh bạn hàng xóm đuổi theo, qua một nhà, bỗng nhiên cậu rẽ ngoặt vào nhà ông Hà hàng xóm. Nhà ông Hà đang làm lễ giải hạn đầu năm, ngựa giấy và hình nhân, đồ cúng và đồ hàng mã đầy sân... “cậu” không dừng lại, đi xuyên qua đám cúng làm ông Thầy cúng giật mình la lối inh ỏi. Cuối cùng thì cậu cũng bị bắt trói lại và mang ra gốc nhãn cạnh mảnh đất trống nhà hàng xóm chờ buộc tội. Trước lúc yên vị “cậu ta” đã kịp ăn mấy cái vụt cán chổi của ông Hà, kêu eng éc nghe chừng oan ức lắm.

          Tôi lặng đi rồi cũng phát điên lên khi nghe vợ tả lại và tận mắt chứng kiến hậu quả của “cậu ta” để lại. Nhưng rồi lại chợt bật cười vì cái tính cẩu thả của mình, dù sao “nó” cũng chỉ là một con lợn mà – tôi thuyết phục vợ. Không thể chậm trễ hơn tôi gọi điện cho Tà: ngày mai thứ bảy em rủ các bạn nữa ra nhà thầy, mình sẽ “nói chuyện con lợn nhé”.

*

*       *

           Không chỉ có hậu quả đã nêu, qua cậu học trò yêu quý Sùng A Tà, tôi còn có được một bản lý lịch những chiến tích dài hơn nữa về “món quà đáng yêu” này. Sùng A Tà kể lại:

          …Vợ chồng em đi chợ phiên của huyện mua về “cậu ta” chỉ hơn hai cân, nhưng chắc và khỏe, nước da đen như bánh mật, bóng lộn, lông sù như rễ tre. Về thả rông gần một năm nay cả một khu bản mà nơi nhà Em ở rộng cả cây số vuông “cậu ta” rảo bước không thiếu một chỗ nào. Sẵn sàng tham chiến khi có một nhân vật khác đe dọa. Không thích ăn, chỉ thích cắn và dùng mũi của mình ủi tung mọi vật đó là sở thích lập dị nhất của “cậu ta”. Cuối tháng 10 năm ngoái Vợ em xếp một bức tường đá tai mèo để vách ngăn cao hơn một mét, dài khoảng 25 mét không cho “cậu ta” vào vườn rau cải. Nhưng chỉ trong một đêm, hôm sau hai phần ba bức tường đổ sập, vườn rau cải bị cày nát. Một hôm “cậu ấy” phóng qua đường đúng chỗ đoạn cua xuống dốc, anh Giàng A Đà ở cùng bản đi xe MinK không kịp phanh lao vào nó, nhưng nó quay ngoắt đầu ngược trở lại, mất đà vì tránh “cậu lợn”, xe  lao xuống dốc, anh Đà gãy tay phải, vành xe trước cong hình vỏ đỗ. Bực phát điên anh Đà cầm súng kíp lên nhà, ngồi phục thấy cậu ta vừa ló ra, bóp cò nghe tiếng kim hỏa đập vào cò “pạch”  súng chưa kịp nổ cậu ta lao thẳng vào bãi ngô mất hút, gần ba ngày sau mới về.

          Hôm trước khi bị bắt, hai vợ chồng em đã phải nhử cậu bằng một tô cháo ngô; cậu ta rón rén mò về ăn hết nằm lăn ra ngủ. Bị trói chân sau vào chuồng ngựa, cậu lồng lên đớp mạnh chân chú ngựa đen đang gặm ngô. Như đoán được ý đồ của “cậu ta”, và lợn cũng không nhanh bằng ngựa, cậu bị một phát đá của ngựa nằm phơi bụng, sượt da chảy máu sườn…

          Cuối cùng thì cái “án” dành cho “cậu lợn” cũng được thi hành. Buổi gặp mặt đầu năm của thầy trò chúng tôi ngập trong tiếng cười nói vui vẻ. Cả nhà ầm vang tiếng ly rượu “chạm nhau” chúc sức khỏe, chúc năm mới tốt lành, không ai nhắc “cậu ta” nữa. Còn tôi vẫn phảng phất nghĩ về món quà quý giá đầu xuân. Đó không phải là giá trị của món quà, đó cũng không phải là mối bận tâm lo lắng về những tổn hại mà con lợn gây ra, mà đáng trân trọng nhất là tấm lòng của cậu học trò sinh viên nghèo thật thà chất phác của mình mang đến.

          - Thầy mời một chén nào! (tôi nói nhỏ với Sùng A Tà), cám ơn em, nhưng lần sau ra chơi uống chén rượu với Thầy là quý rồi, không mang lợn nữa nhé!.

          Ánh mắt ngượng ngùng, lúng túng của Tà nhìn tôi khó xử, dường như định giải thích điều gì, tôi nhìn cậu học trò yêu quý với ánh nhìn cảm kích và động viên...rồi hai thầy trò cùng bật cười nâng ly rượu chúc nhau những lời chúc đầu năm mới.

 

 

Lưu Bình Dương