CÂU CHUYỆN TRIẾT HỌC

Cùng đi xuôi con đường lên giảng đường nghe tiếng phàn nàn của mấy bạn đi bên cạnh, biết ngay là dân năm nhất: “lại triết học 3 tiết”, “Tớ chẳng hiểu Cô giáo nói gì nữa, mà tại sao phải học cái môn ấy chứ?”, “mà lại học toàn mấy cái Ông từ cái thời cổ tích ấy làm gì”... vân vân và vân vân.

          Cùng đi xuôi con đường lên giảng đường nghe tiếng phàn nàn của mấy bạn đi bên cạnh, biết ngay là dân năm nhất: “lại triết học 3 tiết”, “Tớ chẳng hiểu Cô giáo nói gì nữa, mà tại sao phải học cái môn ấy chứ?”, “mà lại học toàn mấy cái Ông từ cái thời cổ tích ấy làm gì”... vân vân và vân vân. Tôi lại thoáng ra mường tượng ngày đầu năm nhất cũng vậy. Còn với tôi hôm nay tôi đã nghĩ khác, không phải như các bạn nghĩ đâu. Qua học nó, tôi phát hiện ta rằng, Triết học chính là chân dung cuộc sống hôm nay.

          Nếu ai hỏi tôi: bạn thích gì khi học được ba năm qua? Thì tôi sẽ không ngần ngại mà trả lời: “ tôi thích triết học”. Triết học đã dạy cho tôi cách sống, cách làm người, cách khôn hơn. Triết học cho tôi cái đầu để tư duy, để so sánh, để mạnh mẽ. Mọi người cho rằng Triết học khô khan, khó hiểu, trìu tượng khiến người ta đau đầu, buồn ngủ nhưng điều đó hoàn toàn sai lầm bởi vì các kiến thức trong Triết học đều bắt nguồn từ cuộc sống, từ những cái đơn giản bình thường, nó không phải là những gì cao siêu, phi thường như mọi người nghĩ, mặt khác muốn hiểu các quy luật triết lý trong Triết học thì bạn cần phải có một trái tim thấu hiểu. Nhà triết học Ph. Bê cơn đã viết: “Triết học chân chính chỉ là triết học truyền đạt chính xác nhất tiếng nói của bản thân thế giới và được viết dưới những sự chỉ dẫn của thế giới”. Như vậy triết học đó chính là quy luật của cuộc sống, được con người nhận thức ra. Ai mà lại không có tham vọng hiểu biết càng nhiều hơn nữa chứ. Bài học đầu tiên làm quen với Triết học đã dạy: Ở phương Tây, thuật ngữ "Triết học" có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp "Philôsôphia", nghĩa là "yêu mến sự thông thái". Triết học được xem là hình thái cao nhất của tri thức, có thể làm sáng tỏ bản chất của mọi vật. Khái quát lại, triết học là một hình thái ý thức xã hội; là hệ thống tri thức lý luận chung nhất của con người về thế giới; về vị trí, vai trò của con người trong thế giới ấy. Một người nếu biết, hiểu về triết học và vận dụng nó một cách thích hợp thì tôi tin chắc rằng cánh cửa thành công sẽ luôn rộng mở.

          Triết học là một môn học mới và bắt buộc đối với các bạn sinh viên khi bước vào giảng đường đại học và cao đẳng, nó khá là bổ ích nhưng một thực tế đáng buồn là chẳng mấy bạn sinh viên yêu thích nó mà có khi còn sợ nó bởi vì mọi người cho rằng triết học trìu tượng, khó hiểu, tỷ lệ học lại cũng như học cải thiện môn này chiếm khá cao. Sinh viên thường nói với nhau “học lại triết là chuyện bình thường” hay “đứa nào học được triết là bọn hâm”. Năm học mới sắp đến thay vì việc bày tỏ cảm xúc buồn vui, yêu ghét, hi vọng về những gì đã qua và những gì đang đến thì tôi muốn cùng các bạn nói về triết học, hiểu về triết học và đề ra những phương pháp học tốt, từ đó góp phần giúp cho tâm lý các em sinh viên khoá mới bớt lo sợ và yêu thích khi học triết, có thể vận dụng những kiến thức vô cùng quý giá trong đó vào cuộc sống. Với tư cách là một cô sinh viên năm ba, đã từng học qua triết học, tìm hiểu về triết học và vận dụng những kiến thức tưởng như khô khan đó vào thực tế cuộc sống hằng ngày của bản thân, tôi xin chia sẻ với mọi người một cách chân thành nhất. Những ngày đầu tiên làm quen với triết học tôi cảm thấy khó hiểu vô cùng, chẳng hứng thú gì cả. Buổi học đầu tiên mắt tôi cứ nhắm tịt lại không thể mở mắt ra để nghe cô giảng bài. Sang ngày thứ hai cũng không khác gì mấy, những tiếng ngáp ngủ liên tục, ba tiết Triết đối với tôi dài như ba năm, chỉ mong sao mau mau có chuông để được nghỉ. Sang buổi thứ 3, thứ 4... và dần dần tôi không còn buồn ngủ khi nghe cô giảng, tôi bắt nhịp với môn học một cách vô cùng thoải mái và thích thú, tôi nhận ra một điều rằng thực ra triết học thật gần gũi, để hiểu được nó cũng đâu cần phải cao siêu gì. Cứ thế, tôi dần yêu triết học từ bao giờ, tôi luôn coi nó là người bạn, tôi mong từng ngày một để đến giờ cô Sự, mỗi khi tìm hiểu, khám phá những điều ẩn chứa trong những điều tưởng là cao siêu ấy tôi thấy thời gian trôi qua thật nhanh. Mỗi lần đọc lại giáo trình môn triết học lại thấy thêm một điều mới mẻ chính trên những trang giấy vừa đọc. Có thể nói rằng đây là môn học mà tôi yêu thích nhất từ trước đến nay, tôi có thể giành ra hàng tiếng đồng hồ để nói về triết học. Vì vậy, lũ bạn tôi toàn bảo tôi hâm, tôi không bình thường. Mặc dù vậy tôi luôn thấy vui, và thoải mái vì tôi biết tôi đã tìm được một trong những niềm hạnh phúc thực sự của mình.

          Mọi người thường hỏi tôi cách học như thế nào? Thực ra những kiến thức trong triết học đều bắt nguồn từ những gì có trong cuộc sống được khái quát lên thành các quy luật. Để hiểu được nó, để khỏi vất vả và mệt mỏi đối với mỗi tiết học trên giảng đường thì ở nhà bạn nên đọc qua giáo trình, đọc lần một để bạn biết được trong đó viết gì, đọc lần hai bạn nên gạch chân dưới những luận điểm quan trọng cốt lõi, đọc lần ba bạn cần phải biết tự đặt các câu hỏi tại sao? Như thế nào? Đọc sang lần bốn bạn nên tập với việc hình dung, tư duy, lấy ví dụ dẫn chứng ngoài cuộc sống có liên quan đến các luận điểm. Như vậy sẽ giúp bạn dễ dàng tiếp thu những gì cô giảng trên lớp. Về việc ghi chép trên lớp bạn không cần ghi chép một cách máy móc, ghi cho nhiều, ghi cho đầy giấy để học thuộc như một con vẹt nhằm đối phó với các kỳ thi vì như vậy bạn sẽ chẳng hiểu gì, bạn ghi không thiếu một chữ nào nhưng khi đọc lại bạn chẳng hiểu một chữ nào thì cũng để làm gì. Trên lớp bạn nên lắng nghe cô giảng sẵn sàng trao đổi và ghi chép một cách chọn lọc, những luận điểm quan trọng sau đó về nhà tự mình nghiền ngẫm, phân tích và lấy ví dụ bạn sẽ thấy những kiến thức ấy thực ra rất đơn giản và gần gũi với bạn.

          Từ đó bạn cũng sẽ không phải lo sợ khi đối diện với các bài kiểm tra vì bạn đã làm chủ các kiến thức ấy và một điều đặc biệt là khi bạn hiểu về các quy luật, các kiến thức trong triết học bạn đã cầm trong tay một cuốn cẩm nang cho sự thành công của bạn. Bạn biết rằng xung quanh chúng ta tồn tại hàng trăm mối quan hệ khác nhau vì vậy phải biết cân bằng hài hoà các mối quan hệ. Cần phải tránh tư tưởng tả khuynh và hữu khuynh trong học tập cũng như công việc sau này. Biết cố gắng rèn luyện, học tập, không chỉ học thầy mà còn học bạn, sáng tạo, đúc kết kinh nghiệm cho bản thân có một sự tích luỹ đủ về lượng sẽ giúp bạn trở thành một người con có ích cho đất nước. Cũng như hiểu được rằng con đường phát triển không phải đi theo đường thẳng. Vì vậy mỗi khi bạn vấp ngã, bạn thất bại cũng không nên đánh mất niềm tin ước mơ về những điều tươi đẹp phía trước, có một cái nhìn lạc quan, một cái nhìn khách quan về cuộc sống.

          Chúng ta những thanh niên mang trong mình nhiều hoài bão của tuổi trẻ, khát khao cống hiến hãy cùng nhau cố gắng, tiếp thu những điều tốt đẹp của cha ông cùng trí tuệ của thời đại hãy cùng nhau xây dựng và bảo vệ cuộc sống này và điều quan trọng nhất, mỗi người là tự biết làm giàu trí tuệ của chính mình, tự trang bị cho hành trang của mình những kiến thức cần thiết để tự lập và tự thành công - Triết học sẽ dạy bạn điều đó, bạn sẽ tìm thấy câu trả lời ở trong chính triết học. Thấy được ý nghĩa lợi ích vô cùng to lớn của việc hiểu và vận dụng những kiến kiến thức của triết học vào cuộc sống, tôi mong rằng các bạn sẽ thay đổi cách nghĩ cách nhìn về triết học, từ đó yêu thích môn học này giống như tôi vậy.

          Một năm học mới lại bắt đầu, các em năm nhất đang đi ở đầu con đường của sự học, còn tôi đã đi quá nửa chặng đường, tôi hy vọng những chia sẻ ấy có ích cho các bạn, xin đừng coi là “một lời dạy khôn” nhé. Hãy suy nghĩ về những gì cuộc sống đòi hỏi ở bạn – triết học sẽ giúp trả lời đầy đủ.

Đàm Nam - Văn K10

Các bài đã đăng