Mỗi tuần một cuốn sách: Tinh thần pháp luật - Montesqieu

Trong khoa học luật hiện đại trên thế giới những người học Luật thường bắt đầu bằng việc đọc bộ đôi tác phẩm kinh điển: “Khế ước xã hội” của Rousseau và “Tinh thần pháp luật” của Montesquieu; Tư tưởng của hai tác giả được coi là bộ đôi khai sáng về quan điểm pháp lý, mở đường cho tư duy xã hội Pháp đi tới cuộc cách mạng tư sản 1789

Trong khoa học luật hiện đại trên thế giới những người học Luật thường bắt đầu bằng việc đọc bộ đôi tác phẩm kinh điển: “Khế ước xã hội” của Rousseau và “Tinh thần pháp luật” của Montesquieu; Tư tưởng của hai tác giả được coi là bộ đôi khai sáng về quan điểm pháp lý, mở đường cho tư duy xã hội Pháp đi tới cuộc cách mạng tư sản 1789, bởi lẽ các tác giả của nó đã khiến cho dân pháp khinh sợ sự độc tài, đồng thời khích lệ họ vươn tới khát vọng tự do, đạo đức và bình đẳng hướng tới xây dựng một xã hội công dân và nhà nước pháp quyền. Ngày nay tư tưởng của các ông cùng những quan đểm lập pháp hiện đại phương Tây (Châu Âu và Châu Mỹ) vẫn đang dẫn dắt hàng tỷ người hàng trăm dân tộc tiến bước vào khát vọng tự do, dân chủ và thiêng liêng quyền của con người.

Tác phẩm Tinh thần pháp luật của Montesqieu đã được dịch sang tiếng Việt từ khá sớm năm 1992 với dịch giả Hoàng Thanh Đạm; ngoài ra còn nghiều dịch giả khác. Song với bản dịch của Hoàng Thanh Đạm tác phẩm đã được tái bản nhiều lần với sự hiệu đính của chính người dịch. Để các bạn đọc yêu thích các tác phẩm kinh điển ngành Luật có thêm tư liệu, Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn pháp luật thông qua mục “Mỗi tuần một cuốn sách” xin trân trọng giới thiệu tác phẩm với sự lược ghi những nét chính tác phẩm:

1. Luật của trời và luật của người

Đặt vấn đề luật là những quan hệ tất yếu từ trong bản chất sự vật, Montesquieu khẳng định mọi vật đều có luật của nó. Thế giới thần linh, thế giới vật  chất, những trí tuệ siêu việt, cho đến các loài vật và loài người đều có luật của mình.

Với quan điểm con người tự nhiên có trước con người xã hội, trước hết Montesquieu đề cập đến những luật của thiên nhiên tạo ra sự tồn tại của chúng ta.

Ông cho rằng trong trạng thái tự nhiên, mỗi người đều cảm thấy thấp kém và ai cũng như mình, nên họ không tìm cách tấn công nhau và hòa bình là luật tự nhiên đầu tiên. Sau đó, những cảm giác về nhu cầu sống gắn liền với cảm giác về sự yếu đuối của mình khiến nảy sinh quy luật con người phải tìm cách để tự nuôi sống bản thân. Và tình yêu là luật tự nhiên thứ 3 khi con người có nhu cầu lại gần nhau. Thế rồi nguyện vọng được sống thành xã hội đã tạo nên luật tự nhiên thứ 4.

Ngay khi được tổ chức thành xã hội, cảm giác yếu đuối trong tự nhiên đã biến mất và con người dần dần nhận thức được sức mạnh của mình. Montesquieu nhận thấy, sống trong một xã hội  muốn duy trì được trật tự phải quy định rõ quan hệ giữa người cai trị với người bị cai trị - Đó là luật chính trị. Rồi lại phải quy định quan hệ giữa các công dân với nhau - Đó là luật dân sự. Luật chính trị là luật tạo ra nền cai trị, còn luật dân sự là luật duy trì nền cai trị ấy.

2. Các mối liên hệ của pháp luật

Montesquieu không nghiên cứu pháp luật như một hiện tượng cô lập, tách biệt mà đặt nó trong mối tương quan chặt chẽ với các sự vậ hiện tượng khác để tìm và lý giải nguồn gốc của pháp luật. Ông tìm hiểu pháp luật trong các mối quan hệ phong phú, từ các hiện tượng tự nhiên như: khí hậu tự nhiên, tính chất đất đai….đến các hiện tượng xã hội như thương mại, tiền tệ, tôn giáo, dân số…. Trong từng mối quan hệ Montesquieu không dừng ở việc lý giải bản chất và đặc điểm của mối quan hệ đó, mà còn chỉ ra nững tương đồng và dị biệt của nó theo thời gian để cuối cùng tìm ra nguyên lý vận động nội tại của chính nó, từ đó đề xuất cách soạn thảo luật và ứng dụng luật trong các lĩnh vực khác nhau.

3. Luật về các chỉnh thể

 Montesquieu xác định có ba loại hình chính thể là dân chủ, quân chủ và chuyên chế. Ông định nghĩa:  “Chính thể Dân chủ là chính thể mà dân chúng hay một bộ phận dân chúng có quyền lực tối cao; chính thể Quân chủ thì chỉ một người cai trị, nhưng cai trị bằng luật pháp được thiết lập hẳn hoi. Trong chính thể Chuyên chế thì trái lại, chỉ một người cai trị mà không luật lệ gì hết, chỉ theo ý chỉ và sở thích của hắn ta mà thôi”

Bằng lối tư duy độc đáo, Montesquieu đã chỉ ra ý niệm và bản chất của mỗi loại hình chính thể bằng cách kích thích sự tưởng tượng của người đọc. Chẳng hạn, bàn về chính thể chuyên chế, ông viết: “Những người dã man ở xứ Louisiane muốn  ăn quả thì chặt cây từ gốc đổ xuống để hái quả. Chính thể chuyên chế là như rứa đó!

4. Thuyết tam quyền phân lập

Tư tưởng phân chia giữa các nhánh quyền lực bắt đầu từ thời hy lạp cổ đại , mà đại diện tiêu biểu là Aristotle. đến thời kỳ khai sáng thế kỷ 18, các  nhà tư tưởng Pháp đã làm giàu có thêm nội dung của nó và phát triển thành một học thuyết chính trị - pháp lý độc lập.

Trong tác phẩm “ Tinh thần pháp luật” Montesquieu đã lập luận tinh tế và chặt chẽ tính tất yếu của việc tách bạch các nhánh quyền lực và về sau, tư tưởng “tam quyền phân lập” này của ông đã trở thành phương pháp kinh điển được các nhà nước tư sản vận dụng để xây dựng và duy trì bộ máy nhà nước của mình. Montesquieu viết: “Khi mà quyền lập pháp và quyền hành pháp nhập lại trong tay một người hay một viện Nguyên Lão thì sẽ không còn gì là tự do nữa; vì người ta sợ rằng chính ông ta hay viện ấy chỉ đặt ra luật độc tài để thi hành một cách độc tài”.

Cũng không có gì là tự do nếu quyền tư pháp không tách khỏi quyền lập pháp và quyên hành pháp. Nếu quyền tư pháp nhập lại với quyền lập pháp thì người ta sẽ độc đoán với quyền tự do và quyền sống của công dân, quan tòa sẽ là người đặt ra luật. Nếu quyền tư pháp nhập lại với quyền hành pháp thì quan tòa sẽ có sức mạnh của kẻ đàn áp.

Nếu một người hay một tổ chức của quan chức, hoặc của quý tộc hoặc của dân chúng nắm luôn cả ba thứ quyền nói trên thì tất cả sẽ mất hết. Sau này, Thomas Jefferson – một trong những nhà lập quốc của Mỹ tiếp tục hoàn thiện tư tưởng tam quyền phân lập và góp phần đưa Mỹ trở thành quốc gia áp dụng thuyết phân chia quyền lực một cách cứng rắn.

Có quan điểm cho rằng, cuốn sách này lẽ ra có thể hoàn hảo hơn nếu Montesquieu không cường điệu vai trò của khí hậu đối với vai trò của con người và pháp luật, coi tính chất của khí hậu là yếu tố quyết định tính cách con người và ảnh hưởng đến nội dung của pháp luật. Tuy nhiên những người khác lại coi đó là phát hiện độc đáo của Montesquieu khi khám phá bản tính con người, giúp người đọc có một cách tiếp cận mới mẻ và thú vị về con người và xã hội loài người...

Đánh giá cuốn “Tinh thần pháp luật” của Montesquieu, Voltaire- một trong những nhà khai sáng vĩ đại của pháp thế kỷ 18 - đã thừa nhận: “Tác giả luôn suy nghĩ và làm cho người ta phải suy nghĩ…". Bà Du Deffand gọi cuốn sách này là “bộ óc về các luật pháp”: "Quả là không có cách đánh giá nào hay hơn! Phải thừa nhận không có mấy ai có nhiều trí tuệ như ông và thái độ dũng cảm của ông làm cho bất cứ ai say mê tự do đều phải tán thưởng”.

Tinh thần pháp luật là cẩm nang quý báu để mỗi người làm công tác nghiên cứu pháp luật đi sâu vào đào bới, khai thác tìm ra những nét tinh túy của tác phẩm mà tác giả đã viết còn ẩn chứa đến ngày hôm nay...còn nhiều nội dung chưa điểm luận được của tác phẩm đang chờ quý vị đọc và suy ngẫm.