Bàn về Trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong pháp luật hình sự Việt Nam

Trong điều kiện hiện nay, Việt Nam muốn nâng cao hơn nữa hiệu quả của hoạt động phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia như tội phạm khủng bố, tội phạm rửa tiền, tội phạm buôn lậu, tội phạm môi trường, tội phạm buôn bán người và các loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác... Việc quy định TNHS đối với pháp nhân ở Việt Nam hiện nay có ý nghĩa lý luận và thực tiễn quan trọng.

          1. Trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong pháp luật hình sự Việt Nam

         Lịch sử hình thành và phát triển của luật hình sự Việt Nam hơn nửa thế kỷ qua đã cho thấy: pháp luật hình sự nước ta với sự ghi nhận nguyên tắc lỗi và nguyên tắc phân hóa trách nhiệm hình sự (TNHS), đồng thời với việc không ghi nhận nguyên tắc TNHS đối với người khác và TNHS của pháp nhân. Pháp luật hình sự nói chung và quan điểm về việc thiết lập TNHS đối với pháp nhân nói riêng ở nước ta trong thời gian qua chịu ảnh hưởng nhiều bởi hệ thống pháp luật hình sự của các nước xã hội chủ nghĩa, nhất là của Liên Xô (cũ) và các nước Đông Âu - là những nước không thiết lập chế định TNHS đối với pháp nhân. Vì lẽ đó, trong lĩnh vực khoa học pháp lý hình sự một thời gian dài hầu như không đặt ra vấn đề nghiên cứu thiết lập TNHS đối với pháp nhân. Tuy nhiên, trong xu thế hội nhập quốc tế, nhất là xuất phát từ yêu cầu của việc hợp tác quốc tế trong công tác phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm nói chung và tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia nói riêng, khi Nhà nước tiến hành sửa đổi cơ bản Bộ luật Hình sự (BLHS) vào năm 1999, chúng ta đã tiến hành nghiên cứu quy định TNHS đối với pháp nhân, nhưng vấn đề này chưa nhận được sự đồng thuận của các đại biểu Quốc hội và các nhà khoa học. Đến năm 2009, Nhà nước tiến hành tổng kết thực tiễn 10 năm áp dụng BLHS năm 1999 và sửa đổi, bổ sung một số quy định của Bộ luật này, vấn đề TNHS của pháp nhân lại một lần nữa được đề cập đến khi bàn về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 1999. Kết hợp với yêu cầu thực tiễn xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong một số lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là lĩnh vực bảo vệ môi trường, quản lý kinh tế... đã thúc đẩy ngày càng mạnh mẽ các cơ quan có thẩm quyền, các nhà khoa học, các luật gia… quan tâm nghiên cứu vấn đề TNHS của pháp nhân ở Việt Nam.

        2. Sự cần thiết phải quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân

       Hiện nay, nền kinh tế nước ta đang có những bước phát triển mạnh mẽ, tạo ra nhiều của cải cho xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Song mặt trái của nền kinh tế thị trường kết hợp với tâm lý hưởng thụ, lối sống coi trọng chủ nghĩa thực dụng, cá nhân vị kỷ, tìm kiếm lợi nhuận là trên hết đã khiến cho một số chủ thể tiến hành các hoạt động sản xuất kinh doanh bất chấp pháp luật, vi phạm nghiêm trọng lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân, trong đó nhiều hành vi vi phạm pháp luật có tính chất và mức độ nguy hiểm đáng kể cho xã hội do các pháp nhân thực hiện, chủ yếu tập trung trong các lĩnh vực môi trường, sản xuất kinh doanh và các hoạt động quản lý kinh tế, xã hội khác như lĩnh vực quản lý thuế, thị trường tài chính, chứng khoán, đầu tư, bảo hiểm, đấu thầu xây dựng...

         Đơn cử như qua thực tiễn phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm về môi trường trong thời gian gần đây đã đặt ra yêu cầu bức thiết đối với việc quy định TNHS đối với pháp nhân. Tình trạng nhiều khu công nghiệp, cơ sở sản xuất sử dụng hệ thống ngầm dẫn nước thải chưa qua xử lý ra môi trường, gây ô nhiễm nghiêm trọng như Nhà máy sản xuất bột ngọt Vedan, Nhà máy sản xuất khung nhôm định hình thuộc Công ty cổ phần công nghiệp Tung Kuang (Đài Loan) tại Cẩm Giàng, Hải Dương; Nhà máy cồn rượu thuộc Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi... đang có xu hướng gia tăng. Mặt khác, tình trạng doanh nghiệp nhập phế liệu nhựa về nước ta dưới hình thức nhập nguyên liệu sản xuất hoặc tạm nhập, tái xuất vẫn tiếp tục xảy ra, phổ biến tại Hải Phòng, Quảng Ninh và TP. Hồ Chí Minh. Nghiêm trọng hơn, một số doanh nghiệp đã có thủ đoạn gian dối trong khai báo hải quan, thậm chí móc nối với một số tổ chức kiểm định, giám định để có kết luận hàng hoá đạt tiêu chuẩn về môi trường, nhằm được thông quan, qua đó đưa phế liệu, rác thải vào nước ta, cũng đang gia tăng.

         Nhưng các vụ việc nêu trên hầu như không bị xử lý hình sự hoặc không xử lý hình sự đối với một số cá nhân nhất định. Việc áp dụng các biện pháp xử phạt hành chính hoặc dân sự đối với các vụ vi phạm này đã bộc lộ những bất cập trong chính sách hình sự đối với việc xử lý các hành vi vi phạm về môi trường, từ đó dẫn đến những nghi ngờ các trường hợp phạm tội đã bị bỏ lọt làm ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu lực của công tác quản lý nhà nước nói chung và quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường nói riêng. Mặt khác, trong số mười tội danh về tội phạm môi trường theo quy định của BLHS năm 1999 thì mới chỉ có hai tội danh bị khởi tố, điều tra và xét xử trên thực tế là Tội hủy hoại rừng và Tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm. Những bất cập nêu trên có thể xuất phát từ nhiều lý do cơ bản như: việc xác định hậu quả của hành vi phạm tội rất khó khăn, sự thỏa mãn dấu hiệu “đã bị xử phạt hành chính” hoặc sự chồng chéo giữa các văn bản pháp luật quy định về lĩnh vực môi trường, nhưng đặc biệt là do việc xác định phạm vi chủ thể của tội phạm về môi trường ở Việt Nam còn bất cập, đó là chưa thiết lập chế định TNHS đối với pháp nhân, vì vậy mới chỉ dừng lại ở các biện pháp xử phạt hành chính như phạt tiền hoặc đóng cửa, chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp, nhưng các biện pháp xử lý này không phải là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước, nên các doanh nghiệp sẵn sàng chịu phạt tiền nhiều lần để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

          Thêm vào đó, việc truy cứu TNHS đối với người đứng đầu đại diện pháp nhân cũng không thể thực hiện được vì cấu thành tội phạm về môi trường đòi hỏi phải thỏa mãn dấu hiệu “đã bị xử phạt hành chính mà cố tình không thực hiện các biện pháp khắc phục theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền gây hậu quả nghiêm trọng”, nhưng trên thực tế, việc xử phạt hành chính chỉ áp dụng đối với pháp nhân chứ không phải đối với người đại diện của pháp nhân có hành vi vi phạm.

          Chúng tôi cho rằng, đã đến lúc Nhà nước ta phải quy định TNHS đối với pháp nhân. Việc quy định TNHS đối với pháp nhân ở Việt Nam trong điều kiện hiện nay có thể dựa trên một số cơ sở khoa học sau:

        Một là, trước đây, sở dĩ pháp luật hình sự Việt Nam chưa thiết lập chế định TNHS đối với pháp nhân bởi trong thời gian qua, các vi phạm pháp luật do pháp nhân thực hiện chưa phổ biến và chưa tới mức nguy hiểm đáng kể cho xã hội. Trong điều kiện hiện nay ở nước ta, các hành vi vi phạm pháp luật của pháp nhân là phổ biến và có tính nguy hiểm đáng kể cho xã hội - đây là những điều kiện cơ bản để xác định hành vi do chủ thể thực hiện có phải là tội phạm hay không.  “Nếu pháp nhân không được coi là chủ thể của tội phạm tức là mọi hành vi, việc làm của pháp nhân cho dù có nguy hiểm đến đâu cũng không được coi là tội phạm và không bị xử lý bằng biện pháp nghiêm khắc nhất là hình phạt, thì Nhà nước sẽ không kiểm soát được các hành vi vi phạm pháp luật của pháp nhân và đặc biệt là đã không sử dụng biện pháp hữu hiệu là biện pháp hình sự để chống lại các vi phạm và phục hồi lại các quan hệ xã hội đã bị xâm hại. Cũng như đối với thể nhân, việc truy cứu TNHS đối với pháp nhân và áp dụng hình phạt tương xứng đối với hành vi phạm tội của pháp nhân có ý nghĩa chống và vừa có ý nghĩa phòng ngừa tội phạm”1.

       Hai là, trong mối tương quan giữa các trách nhiệm pháp lý thì TNHS thường được quan niệm là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước. Đối với các pháp nhân thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, Nhà nước có thể áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc trách nhiệm dân sự đối với pháp nhân, còn người đứng đầu pháp nhân có thể bị áp dụng biện pháp trách nhiệm kỷ luật. Tuy nhiên, mức xử lý vi phạm hành chính đối với pháp nhân chưa có tính răn đe mạnh mẽ đối với các pháp nhân cũng như người đại diện của pháp nhân. Chẳng hạn: trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, pháp nhân thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường có thể bị xử phạt tối đa đến năm trăm triệu đồng, thậm chí có thể áp dụng biện pháp trách nhiệm dân sự với mức bồi thường rất cao như trong vụ Vedan. Mặc dù vậy, các biện pháp trách nhiệm pháp lý này vẫn không thể gánh vác được vai trò to lớn của biện pháp TNHS đối với pháp nhân; bởi lẽ, trong mối tương quan giữa các biện pháp trách nhiệm pháp lý cho thấy khi các biện pháp khác không đủ sức mạnh cưỡng chế cần thiết thì cần phải áp dụng TNHS, mặc dù có thể về hình thức, các biện pháp trách nhiệm pháp lý này đều có thể áp dụng phạt tiền, nhưng tính chất của phạt tiền với tư cách là hình phạt sẽ bảo đảm tính cưỡng chế nghiêm khắc hơn vì trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp TNHS cũng đặc biệt hơn rất nhiều so với việc áp dụng các biện pháp xử phạt thuộc trách nhiệm hành chính hoặc dân sự. Đặc biệt, pháp nhân cũng như người đại diện pháp nhân không bao giờ mong muốn tham gia vào quy trình tố tụng hình sự khi thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

         Ba là, trong điều kiện hiện nay, Việt Nam muốn nâng cao hơn nữa hiệu quả của hoạt động phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia như tội phạm khủng bố, tội phạm rửa tiền, tội phạm buôn lậu, tội phạm môi trường, tội phạm buôn bán người và các loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác, chúng tôi cho rằng, việc bảo đảm sự tương thích của hệ thống pháp luật quốc gia với pháp luật quốc tế và pháp luật các nước khác trên thế giới là nhu cầu khách quan và tất yếu, trong đó có lĩnh vực pháp luật hình sự mà thiết thực nhất là việc tiếp thu kinh nghiệm của các nước đối với việc thiết lập chế định TNHS của pháp nhân. Trong pháp luật hình sự của các nước theo truyền thống pháp luật Anh - Mỹ như Anh, Mỹ, Canađa, Ốtxtrâylia2… hoặc các nước theo truyền thống pháp luật châu Âu lục địa như Pháp, Hà Lan, Bỉ, Thụy Sỹ…3 và cả Trung Quốc4 trước đây đều không thừa nhận TNHS của pháp nhân, tổ chức nhưng thời kỳ sau này đã thiết lập chế định TNHS đối với pháp nhân.

          Trong các văn bản pháp luật quốc tế mà Việt Nam đã tham gia hoặc phê chuẩn như Công ước của Liên hợp quốc về tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, Công ước của Liên hợp quốc về phòng chống tham nhũng đều có quy định về việc khuyến nghị các quốc gia thiết lập chế định TNHS đối với pháp nhân. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đã tuyên bố không bị ràng buộc bởi một số quy định mang tính tùy nghi, không bắt buộc áp dụng của Công ước như chế định TNHS đối với pháp nhân. Chẳng hạn, Công ước của Liên hợp quốc về tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia quy định: “Mỗi quốc gia thành viên sẽ ban hành những biện pháp cần thiết phù hợp với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc gia để xác định trách nhiệm pháp lý của pháp nhân trong việc tham gia vào các tội phạm nghiêm trọng liên quan đến nhóm tội phạm có tổ chức và trong việc thực hiện những hành vi phạm tội theo quy định tại các điều 5, 6, 8 và 23 của Công ước này; 2. Với điều kiện không trái với các nguyên tắc pháp luật của quốc gia thành viên, pháp nhân có thể phải chịu TNHS, dân sự hoặc hành chính; 3. Trách nhiệm pháp lý của pháp nhân không ảnh hưởng đến TNHS của những thể nhân đã thực hiện hành vi phạm tội; 4. Đặc biệt là mỗi quốc gia thành viên phải đảm bảo áp dụng đối với những pháp nhân bị quy kết trách nhiệm pháp lý theo quy định tại điều này những biện pháp chế tài hiệu quả, tương ứng với tính chất và mức độ của tội phạm và đủ sức răn đe, có thể là chế tài hình sự, chế tài phi hình sự hoặc phạt tiền” (Điều 10).

        Chúng tôi cho rằng, việc Việt Nam tuyên bố như vậy về trước mắt là hợp lý, thể hiện sự thận trọng trong việc chuyển hóa các quy phạm pháp luật quốc tế vào trong pháp luật quốc gia nhằm bảo đảm lợi ích tốt nhất cho quốc gia khi chúng ta gia nhập các công ước quốc tế. Tuy nhiên, để Việt Nam có thể thực hiện một cách hữu hiệu các quy định của công ước quốc tế cũng như nhận được sự đồng thuận của các quốc gia trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm, đặc biệt là phòng, chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, thì Việt Nam cần nghiên cứu tiếp thu kinh nghiệm lập pháp của các nước trên thế giới và thực hiện từng bước chuyển hóa các quy phạm pháp luật quốc tế về vấn đề TNHS của pháp nhân vào trong pháp luật hình sự quốc gia nhằm tạo cơ sở pháp lý thống nhất và đồng bộ cho sự hợp tác về lĩnh vực này.

            3. Kiến nghị

           Việc quy định TNHS đối với pháp nhân ở Việt Nam hiện nay có ý nghĩa lý luận và thực tiễn quan trọng. Để góp phần vào việc xây dựng chế định TNHS của pháp nhân, chúng tôi kiến nghị một số vấn đề sau:

            Thứ nhất, phạm vi áp dụng TNHS đối với pháp nhân. Kết quả nghiên cứu pháp luật hình sự của các nước trên thế giới cho thấy, một số nước quy định pháp nhân với tư cách là chủ thể của TNHS có thể là tổ chức hoặc thể nhân có tư cách pháp nhân nhưng cũng có thể là các nhóm, hội, hiệp hội không có tư cách pháp nhân. Chủ thể chịu TNHS của pháp nhân không chỉ là những pháp nhân, tổ chức tư mà còn bao gồm cả những tổ chức pháp nhân theo luật công như pháp luật hình sự của Anh, Mỹ, Canađa, Bỉ, Hà Lan, Thụy Sỹ; nhưng có nước lại quy định tổ chức với tư cách là chủ thể của tội phạm phải có tư cách pháp nhân, nếu một nhóm hoặc một tổ chức không có tư cách pháp nhân thì không phải chịu TNHS như pháp luật hình sự của Pháp. Luật hình sự của nước này cũng trực tiếp quy định, Nhà nước không phải chịu TNHS.

            Chúng tôi cho rằng, việc xác định phạm vi chủ thể của tội phạm trong luật hình sự Việt Nam cũng phải thể hiện rõ: chỉ xác định chủ thể của tội phạm là các tổ chức có tư cách pháp nhân. Điều này xuất phát từ tính hiệu quả và an toàn về mặt pháp lý của biện pháp TNHS áp dụng đối với pháp nhân. Tuy nhiên, việc xác định TNHS của pháp nhân không loại trừ TNHS của người đại diện pháp nhân. Người đại diện pháp nhân đồng thời phải chịu TNHS khi hành vi của họ thực hiện trong phạm vi được ủy quyền. Mặt khác, pháp nhân không chịu TNHS cùng người đại diện nếu hành vi phạm tội của người này nằm ngoài sự ủy quyền của pháp nhân. Người đại diện của pháp nhân chỉ có thể phải chịu trách nhiệm hành chính hay kỷ luật về hành vi phạm tội của pháp nhân nếu họ không có lỗi đối với hành vi đó. Điều đó có nghĩa, đối với pháp nhân công thì chỉ hành vi nào do họ thực hiện không xảy ra trong quá trình thực thi công quyền thì mới bị truy cứu TNHS, còn trường hợp pháp nhân công thực hiện hành vi công quyền sẽ chỉ áp dụng biện pháp trách nhiệm hành chính. Nguyên tắc truy cứu TNHS đối với pháp nhân là đối với tất cả các pháp nhân, và đương nhiên TNHS không đặt ra đối với pháp nhân là Nhà nước vì Nhà nước bảo vệ lợi ích chung, có chủ quyền và được miễn trừ TNHS. Đồng thời với việc thiết lập chế định TNHS đối với pháp nhân, luật hình sự Việt Nam cũng cần thiết phải quy định về việc truy cứu TNHS đối với tổ chức tội phạm trong sự tương quan với chế định đồng phạm, tạo cơ sở pháp lý cho việc truy cứu TNHS đối với các tổ chức không có tư cách pháp nhân khi thực hiện tội phạm. Bởi lẽ, nếu luật hình sự Việt Nam không truy cứu TNHS sẽ dẫn đến tình trạng bỏ lọt các hành vi nguy hiểm đáng kể cho xã hội do tổ chức không có pháp nhân thực hiện, thực chất đây là hình thức phạm tội đặc biệt nguy hiểm do các cá nhân thành lập hoặc tham gia tổ chức và nhân danh tổ chức đó để thực hiện các tội phạm cụ thể được quy định trong BLHS.

             Thứ hai, tội phạm cụ thể mà pháp nhân có thể phải chịu TNHS: tội phạm cụ thể mà pháp nhân có thể phải chịu TNHS trong pháp luật hình sự của các nước có sự quy định khác biệt nhau. Nhiều nước quy định TNHS của pháp nhân được áp dụng chung cho mọi tội phạm như Mỹ, Canada, Ốtxtrâylia, Bỉ, Thụy Sỹ, Hà Lan,… Ngược lại, luật hình sự của Pháp, Trung Quốc lại quy định pháp nhân chỉ phải chịu TNHS về một số tội phạm cụ thể trong BLHS. Theo chúng tôi, pháp luật hình sự Việt Nam nên quy định TNHS của pháp nhân đối với một số tội phạm cụ thể như: các tội phạm về môi trường, các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tội phạm rửa tiền, sản xuất, buôn bán trái phép chất ma túy, vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản… Sở dĩ chúng ta chỉ xác định TNHS của pháp nhân đối với một số tội phạm cụ thể vì xuất phát từ bản chất của nhiều tội phạm được quy định trong BLHS pháp nhân không thể thực hiện được như: các tội xâm phạm về danh dự, nhân phẩm; chế độ quản lý hôn nhân gia đình… Hơn nữa, điều này cũng phản ánh sự cẩn trọng của Việt Nam trong lĩnh vực lập pháp hình sự nhằm bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.

            Thứ ba, hình phạt đối với pháp nhân: một trong những lý do khiến cho việc thiết lập chế định TNHS của pháp nhân ở Việt Nam gặp những trở ngại nhất định là xuất phát từ quy định các hình phạt áp dụng đối với pháp nhân. Bởi quan niệm truyền thống cho rằng, hình phạt không thể áp dụng được hoặc có thể áp dụng nhưng sẽ không có hiệu quả đối với pháp nhân. Tuy nhiên, ngày nay hầu hết các nhà nghiên cứu và áp dụng luật hình sự đều cho rằng, có rất nhiều các hình phạt không tước tự do có thể áp dụng được đối với pháp nhân, đồng thời việc áp dụng các hình phạt này không hề ảnh hưởng đến nguyên tắc cá thể hóa hình phạt. Hình phạt quy định áp dụng đối với pháp nhân trong pháp luật hình sự của các nước, như các hình phạt về tài sản, các hình phạt hạn chế hoạt động của pháp nhân, các hình phạt tác động đến uy tín và tư cách của pháp nhân và cuối cùng là hình phạt chấm dứt sự tồn tại của pháp nhân. Việc quy định hình phạt đối với các quốc gia cũng có sự khác biệt nhau. Trong pháp luật hình sự của hầu hết các nước theo truyền thống pháp luật Common Law, Thụy Sỹ, Trung Quốc quy định phạt tiền là hình phạt duy nhất đối với pháp nhân; trong khi đó, pháp luật hình sự của các nước như Pháp, Bỉ, Hà Lan lại quy định nhiều loại hình phạt khác nhau đối với pháp nhân, như: giải thể, cấm tiến hành trực tiếp hoặc gián tiếp một hoặc nhiều hoạt động nghề nghiệp hoặc xã hội, chịu sự giám sát tư pháp, cấm vĩnh viễn hoặc có thời hạn việc huy động vốn, tịch thu tài sản đã sử dụng để phạm tội hoặc có được do phạm tội, niêm yết quyết định đã được Tòa án tuyên hoặc thông báo trên các phương tiện truyền thông, đóng cửa vĩnh viễn các cơ sở hoặc một trong các cơ sở của pháp nhân...

             Xuất phát từ điều kiện thực tiễn ở Việt Nam cũng như tính chất nghiêm khắc của hình phạt và quy trình tố tụng hình sự chặt chẽ, chúng tôi cho rằng, các nhà làm luật Việt Nam có thể lựa chọn loại và mức hình phạt phù hợp đối với các pháp nhân, cụ thể là có thể quy định phạt tiền với mức cao hơn nhiều lần so với việc phạt tiền với tư cách là biện pháp xử lý vi phạm hành chính. Sở dĩ chỉ cần quy định một loại hình phạt đối với pháp nhân vì sự tác động mạnh mẽ nhất của biện pháp TNHS là ở tính cưỡng chế nghiêm khắc của hình phạt bằng một thủ tục tố tụng chặt chẽ và đặc biệt. Hơn nữa, các cơ quan nhà nước vẫn có thể áp dụng các biện pháp hành chính khác đối với pháp nhân, như: rút giấy phép sản xuất kinh doanh, đình chỉ hoạt động của pháp nhân trong một thời gian nhất định và lẽ dĩ nhiên, khi pháp nhân bị truy cứu TNHS thì uy tín và thanh danh của pháp nhân sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vì những lẽ đó, theo chúng tôi, không cần thiết phải quy định nhiều loại hình phạt đối với pháp nhân như trong pháp luật của nhiều nước trên thế giới.

 

(1) TS. Phạm Hồng Hải, Pháp nhân có thể là chủ thể của tội phạm hay không?,Tạp chí Luật học số 06/1999, tr.14-19.

(2) Xem Trịnh Quốc Toản, Một số vấn đề về TNHS của pháp nhân trong Luật Hình sự của các nước theo truyền thống Common Law, Tạp chí Tòa án nhân dân tháng 9/2006 (số 18), tr. 29-38.

(3) Xem Trịnh Quốc Toản, Về TNHS của pháp nhân trong Luật Hình sự một số nước theo truyền thống luật châu Âu lục địa, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật số 11/2005, tr. 75-83.

(4) Xem Ths. Trịnh Quốc Toản, Về TNHS của pháp nhân trong Luật Hình sự Trung Quốc, Tạp chí Tòa án nhân dân tháng 11/2005 (số 18), tr. 43-47.

Theo Web: Ban Nội chính Trung ương