Tranh luận nóng hổi: Đề xuất quan chức phải đích thân hầu tòa nếu bị kiện hành chính

Cho rằng sẽ "thủ tiêu" việc tranh tụng trong án hành chính nếu người ra quyết định bị kiện ủy quyền cho nhân viên tham gia tố tụng, nhiều đại biểu trong Ủy ban Tư pháp xem xét thêm quy định này.

Ngày làm việc thứ hai (6/3), Ủy ban Tư pháp Quốc hội tiếp tục cho ý kiến thẩm tra về dự thảo Bộ Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi). Nhiều đại biểu bày tỏ quan ngại về đề xuất tại Khoản 3 Điều 60 cho phép bị đơn có thể ủy quyền cho người khác ra tòa thay mình.

Theo quy định của bộ luật hiện hành, quan chức, cơ quan nhà nước bị khiếu kiện về quyết định hành chính, hành vi hành chính sai có thể ủy quyền cho người khác tham gia phiên tòa. Người được ủy quyền chỉ cần đủ 18 tuổi và không bị mất năng lực hành vi dân sự. Kế thừa quy định này nhưng trong dự thảo có điểm mới là người được ủy quyền phải có chức vụ quyền hạn tương đương hoặc gần tương đương với người bị khiếu kiện; hoặc người đó phải có chức năng nhiệm vụ liên quan đến văn bản hành chính đã ban hành bị khiếu kiện.

Một số đại biểu đồng tình ủng hộ với quy định của dự thảo. Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng người ra quyết định hành chính, có hành vi hành chính sai hoặc lãnh đạo cơ quan ra quyết định hành chính, có hành vi hành chính sai phải trực tiếp có mặt tại phiên xét xử. “Với quy định như thế này thì chẳng bao giờ người có quyết định hành chính sai hoặc có hành vi hành chính sai ra hầu tòa cả, sẽ toàn sai "quân" đi", Phó chủ nhiệm Nguyễn Đình Quyền nói.

Một phiên họp UBTV Quốc hội

Trả lời câu này, là người trình bày dự thảo, Phó chánh án TAND Tối cao Bùi Ngọc Hòa cho rằng "phải thông cảm vì không ủy quyền thì lãnh đạo sẽ suốt ngày hầu tòa”.

Đại biểu Đỗ Văn Đương nói ngay không tán thành với ý kiến của Phó Chánh án Hòa. Theo ông, người ra quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu kiện phải có mặt ở tòa để tranh tụng, giải thích lý do. Nếu họ không đi mà cử người đại diện thì ra tòa những người này cũng chỉ "nghe và về báo cáo lại". Ông lo ngại như thế sẽ "thủ tiêu" việc tranh tụng tại các phiên xử các vụ án hành chính.

Sau đó, khi thảo luận về quy định HĐXX có quyền sửa một phần hoặc toàn bộ quyết định hành chính trái pháp luật; buộc cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước ban hành, sửa đổi, bổ sung quyết định hành chính theo nhận định trong bản án, quyết định của tòa án và quy định của pháp luật, nhiều đại biểu đã tán thành đề xuất này.

Nhiều ý kiến chỉ ra thực tiễn xét xử cho thấy khi tòa án phát hiện quyết định hành chính rõ ràng trái pháp luật nhưng lại không có quyền sửa mà chỉ có quyền hủy để cơ quan hành chính nhà nước giải quyết lại. Điều này gây tốn kém tiền bạc, công sức của nhà nước và nhân dân.

Phó trưởng Ban Nội chính Nguyễn Doãn Khánh cho rằng: "Nếu không có quyền sửa những quyết định hành chính sai thì hoạt động xét xử của tòa án là vô nghĩa".

Theo bảo Hà, báo vnexpress.net