MÙA NÀY QUÊ EM

Đã bao năm trôi qua, nhưng những kí ức tuổi thơ bên những cánh đồng thẳng cánh cò bay, những tháng ngày chăn trâu cắt cỏ, yên bình bên gia đình khiến tôi không thể nào quên.

             Tôi đi xa nhà cũng đã mấy năm trời, càng ngày khoảng cách địa lí càng khiến tôi ít về thăm quê.

            Hôm nay, cũng như bao ngày cuối tuần khác, được nghỉ thay vì về nhà, tôi quyết định lên Định Hóa thăm nhà của hai chị cùng cơ quan. Cách xa thành phố Thái Nguyên đến 40km, ngồi trên xe bus tuyến xe đi Định Hóa, chúng tôi đi khá xa, cách xa cái ồn ào, nhộn nhịp của thành phố. Đến nơi, trước mắt tôi là vùng quê yên tĩnh, là những cánh đồng lúa đang vào mùa gặt, toát lên mùi thơm mà có lẽ chỉ ai sinh ra ở những vùng quê mới cảm nhận được cái thứ mùi thơm say say, nồng nồng như mật ong phơi nắng chẳng lẫn vào đâu được, hình ảnh những người chị, người mẹ, người em đang khom lưng trên những cánh đồng vàng óng gợi trong tôi biết bao cảm xúc.

            Chợt nhớ ra quê mình cũng đang vào mùa, ở nhà chắc bố mẹ bận rộn lắm. Những kí ức thời bé thơ hiện về trong tôi, nỗi nhớ nhà, nhớ quê thôi thúc tôi, bất giác tôi cầm điện thoại gọi điện về cho mẹ. Chưa kịp hỏi thăm gia đình thì mẹ đã hỏi “Con à, tuần này con có về không?” Nhà tôi có tới hơn mẫu ruộng. Tất cả công việc đồng áng, bố mẹ tôi luôn lo chu toàn. Mấy chị em tôi hay kêu ca và phàn nàn vì sự “tham lam” của bố. Thời này rồi mà bố mẹ vẫn cứ tham cấy hái nhiều. Tôi luôn nghĩ rằng sẽ chẳng bao giờ “nối nghiệp” làm nông truyền thống đó. Mặc dù tôi lớn lên từ tấc đất, mảnh ruộng này, nhưng tôi hiểu bố mẹ cũng không mong sau này, cuộc sống của tôi cũng chỉ quanh quẩn bên những đường cày xa tắp ấy. Tôi đi học cũng vì muốn thoát cảnh con trâu thửa ruộng. Tôi biết lúc này, chị em tôi không ở nhà, bố mẹ nhớ con và buồn nhiều…

            Lưỡng lự chưa kịp trả lời câu hỏi của mẹ thì Mẹ tôi hỏi:

“Ở đấy nóng không con?”

“Dạ! nóng lắm” – tôi nói nhanh

Thấy tôi im lặng vì rằng mẹ hiểu lý do tôi chẳng về nhà.

           “Ừ! Vậy con ở lại trường học hành chăm chỉ. Trời nóng thế này về nhà cũng khổ. Làng mình đã vào mùa gặt, 1-2 tuần là thu hoạch xong...”.

            Tôi thấy lòng mình thổn thức, trái tim thắt lại. Trời nóng như thế này, bố mẹ vẫn chăm chỉ ra đồng, gặt từng cây lúa mới, nhặt từng ré lúa rơi vãi trên thửa ruộng lổm chổm những gốc rạ cứng sọc thẳng vào đôi chân đau rát. Chính những hạt thóc hạt gạo đổi bằng những giọt mồ hôi mặn chát của mẹ, của cha đã nuôi lớn chúng tôi, cho tôi một cuộc sống no đủ, nuôi tôi đi học suốt bao năm. Chúng tôi lớn lên từ những nhành cây, thửa ruộng, cọng rơm và cây lúa ngập bùn. Nước đã cạn cánh đồng, mùi hương lúa thơm lừng, nắng vàng ươm những hạt lúa đến mùa thu hái.

           Câu nói của mẹ vẫn vẳng bên tai, ám ảnh. Những chiếc bánh hay những bát cơm thoảng mùi bùn tanh của đất. Bất chợt tôi nhận thấy mình thật ích kỉ, giờ này bên cạnh bố mẹ tôi ngoài những lo toan nhọc nhằn, còn có nỗi nhớ thương của người cha người mẹ với những đứa con thơ dại. Tôi thấy khóe mắt cay cay, thấy thương bố mẹ thật nhiều. Tôi biết mình phải làm gì, vụ mùa năm nay tôi sẽ về, về giúp bố mẹ gặt những hạt lúa chín vàng đang ngả nghiêng trĩu hạt. Hạt lúa mà mỗi lần đi, tôi vẫn xách bao gạo mẹ buộc chặt mang lên trường. Tôi hiểu rằng làm ra hạt thóc thật vất vả. Tôi có quyền gì cho phép bản thân được an nhàn để quay lưng lại với những nhọc nhằn của người thân? Tôi sẽ cùng mẹ, cùng bố cày ruộng, cùng chia sẻ bát cơm trưa đói lòng tanh mùi đất, mùi của tình yêu, của quê hương và gia đình ruột thịt.

            Giờ đây sống xa quê nhưng vẫn nhớ mùa gặt quê mình. Tôi luôn muốn tìm lại màu nắng cũ, màu vàng của lúa, màu xanh, màu trắng của mây, màu tuổi thơ trên những cánh diều... ước mình sẽ là bóng cây để cho mẹ bớt nóng, là làn gió mát để hong khô những giọt mồ hôi đang thấm ướt chiếc áo sờn vai của cha. Và con ước quê mình luôn có thêm nhiều những mùa gặt bội thu.

Phương Thanh