Thế giới phẳng - Tóm lược lịch sử thế giới thế kỷ 21

Trong thế giới phẳng ngày nay - như tác giả nói - không chỉ các quốc gia, các tập đoàn kinh tế lớn như DELL, ILB hay WAL-MART mà các cá nhân ở khắp nơi trên hành tinh này (chỉ cần kết nối Internet và tiếp cận các công cụ của thế giới mới) đều có thể cộng tác với nhau trong những chuỗi cung toàn cầu để tạo ra những giá trị gia tăng lớn hơn!

Bìa sách thế giới phẳng

          Cuốn sách thế giới phẳng được xem như sự tiếp nối của cuốn sách "Chiếc Lexus và cây ôliu", cuốn sách góp phần mổ xẻ cấu trúc đương đại của nền kinh tế và chính trị thế giới trong kỷ nguyên toàn cầu hóa. Cuốn sách đã đưa ra khái niệm thế nào là một thế giới phẳng – một khái niệm rất mới và lạ đối với chúng ta. "Phẳng" ở đây đồng nghĩa với việc dỡ bỏ những rào cản về chính trị cùng với sự tiến bộ vượt bậc của công nghệ thông tin và khoa học kỹ thuật. Đó là những yếu tố đã góp phần làm thế giới "phẳng" ra. 

          Bằng cách kể những câu chuyện hứng thú và sinh động, tác giả đã giải thích rõ ràng và thuyết phục về quá trình làm phẳng thế giới: Bắt đầu khi nào? Diễn tiến ra sao? Những nhân tố nào đã làm phẳng thế giới?

          Trong thế giới phẳng ngày nay - như tác giả nói - không chỉ các quốc gia, các tập đoàn kinh tế lớn như DELL, ILB hay WAL-MART mà các cá nhân ở khắp nơi trên hành tinh này (chỉ cần kết nối Internet và tiếp cận các công cụ của thế giới mới) đều có thể cộng tác với nhau trong những chuỗi cung toàn cầu để tạo ra những giá trị gia tăng lớn hơn!

          “Thế giới phẳng” của Thomas L. Friedman (NXB Trẻ Tp. HCM – 2014 với nhiều dịch giả dài hơn 800 trang) giúp độc giả tiếp cận và tham khảo những tri thức đương đại từ những nước đã phát triển về sự chuyển động của thế giới (đang ở bước ngoặt từ "tròn" sang "phẳng", như cách nói của tác giả), cập nhật thêm những thông tin bổ ích để có sự chủ động trong quá trình hội nhập. Cuốn sách sẽ cho bạn câu trả lời thế nào là thế giới phẳng? quá trình làm phẳng thế giới diễn ra như thế nào? Những nhân tố nào đã làm phẳng thế giới?

          Khác chăng so với thời “tròn” – xin tạm gọi như vậy, thời “phẳng” ngày nay giàu có hầu như trước hết phụ thuộc vào tầm nhìn toàn cầu, vào trí tuệ, vào khoa học và công nghệ - nhất là công nghệ thông tin, năng lực quản trị & kinh doanh - kể cả với ý nghĩa khai thác nguồn theo chiều mở (opensourcing), khai thác nguồn theo chiều sâu (insourcing), luôn luôn chủ động tạo ra “cầu” mới, xâu chuỗi “cung”... được T. L. Friedman mô tả khá sinh động khi nói về 10 “lực” làm “phẳng” thế giới.

          “Phẳng” đến mức những khái niệm “địa kinh tế” hay “địa chính trị” vốn chi phối mọi mối quan hệ quốc tế thời chiến tranh lạnh, ngày nay không thích hợp, khó tồn tại nếu không bổ sung thêm nội dung mới, thậm chí trong nhiều trường hợp đã bị thay thế bởi những khái niệm khác trong khuôn khổ những cam kết mới, những ký kết mới của trật tự thế giới một siêu đa cường - kể cả khuôn khổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) những Hiệp định thương mại song phương (BTA), Hiệp định Thương mại tự do (FTA)...

          “Phẳng” với ý nghĩa mọi “mấp mô” thuộc mọi phạm trù biên giới, lãnh thổ, sự toàn vẹn chủ quyền quốc gia, chế độ chính trị - xã hội, bảo tồn bản sắc văn hóa, sự khác biệt về tôn giáo, chủng tộc, lịch sử, địa lý..., tất cả phải được duy trì, được bảo vệ, được xử lý theo hướng góp thêm vào cho tính “phẳng” của thế giới – quốc gia nào cũng phải ứng xử như thế nếu như không muốn tự cô lập mình.

          Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn pháp luật xin trân trọng giới thiệu tới các bạn cuốn sách “thế giới phẳng”. Các bạn hãy tìm đọc và suy ngẫm để thấy thêm bộ mặt muôn vẻ thống nhất và đầy mâu thuẫn, đầy mâu thuẫn nhưng thống nhất trong một thế giới đang trở nên phẳng – nghĩa là trong quá trình toàn cầu hóa ở nấc thang thế kỷ 21.