“MẸ” - MÓN QUÀ KỲ DIỆU NHẤT!

“Ai còn Mẹ xin đừng làm Mẹ khóc. Đừng để buồn lên mắt Mẹ nghen con”

          “Mẹ” là người phụ nữ cao cả nhất trong cuộc đời của mỗi con người. Tiếng “Mẹ” cất lên thật thiêng liêng và cao quý. Với mỗi chúng ta, kỷ niệm về mẹ luôn là những kỷ niệm ngọt ngào nhất, êm đẹp nhất, cũng như nhắc đến mẹ là nhắc đến người đáng kính nhất. Mỗi người mẹ là một cảnh đời khác nhau trong cuộc sống, có thể là vui vẻ, hạnh phúc nhưng cũng có khi là éo le, bất hạnh. Chính vì thế, những câu chuyện về mẹ luôn khiến cho bất cứ trái tim nào, dù sắt đá cũng phải mềm dịu lại. Đôi khi, có những việc làm của mẹ khiến ta cảm thấy không thoải mái. Tuy nhiên, những việc ấy lại là những bài học quý báu mà có lẽ ta phải đi trọn một kiếp người mới có thể nhận ra được hết ý nghĩa. Sau khi đọc câu chuyện dưới đây, chắc hẳn mỗi chúng ta sẽ thấm thía được phần nào sự hy sinh lặng lẽ mà vô cùng lớn lao của người mẹ trong câu chuyện nói riêng cũng như của người phụ nữ, người mẹ nói chung. Thật sự, Mẹ là điều tuyệt vời nhất trong cuộc đời này. Và sự hy sinh của Mẹ dành cho những đứa con chính là món quà kỳ diệu nhất.

          Đây là câu chuyện có thật về một người mẹ. Câu chuyện cảm động này đã lấy đi không biết bao nhiêu nước mắt của những người con từng một lần trách cứ về một hành động nào đó của mẹ. Chuyện về “Người mẹ bị mù một bên mắt…”.

          Chuyện kể rằng có một người con trai đã mồ côi cha từ bé. Lớn lên và trưởng thành trong sự bao bọc và tình yêu thương của mẹ. Suốt mấy chục năm trời, bà cực nhọc, ròng rã nuôi con.

          Nhưng suốt thời thơ ấu và cả khi lớn lên, lúc nào nó cũng ghét người mẹ, không bao giờ giới thiệu cho ai gặp mẹ mình cả, không cho mẹ đến trường vì sợ bạn bè trêu chọc, chế giễu mình. Và lí do chỉ đơn giản là… bà mẹ bị mù một mắt. Nó nghĩ, bà là đầu đề để bạn bè trong lớp chế giễu, châm chọc nó. Bà làm nghề nấu ăn để nuôi nó ăn học. Ngày nọ, bà nhớ người con quá, ghé qua trường thăm con. Nó thấy mẹ đến liền ra nói: “Tại sao bà lại đến đây? Bà đến đây làm gì? Bà làm tôi xấu hổ và ngượng ngùng với tất cả mọi người… Tôi thực sự ghét bà”. Nó lơ bà đi, ném cho bà một cái nhìn đầy căm ghét rồi chạy biến. Người mẹ mù buồn bã đau đớn, nước mắt bà chảy ra một bên mắt kia. Lặng lẽ nhìn đứa con trai rồi ra về.

          Ngày hôm sau, một trong những đứa bạn học trong lớp la lên: “Ê, tao thấy rồi. Mẹ mày chỉ có một mắt! Nhìn mẹ mày xấu xí quá. haha”. Cả lớp mỉa mai, chế giễu nó thậm tệ. Cậu ta khóc, khóc vì tủi nhục, khóc vì mẹ mình xấu xí đến kinh sợ. Lúc ấy, nó xấu hổ chỉ muốn chôn mình xuống đất. Nó chỉ muốn bà biến mất khỏi cuộc đời nó. Ngày hôm đó đi học về, nó nói với mẹ mình: “Tôi muốn bà biến mất khỏi cuộc đời tôi. Tôi muốn bà không ở ngôi nhà này nữa. Bà làm tôi xấu hổ ghê gớm đấy. Bạn bè tôi chế giễu tôi. Họ khinh thường tôi. Họ ghê tởm bà. Bà hiểu không?”. Bội bạc - đó là 2 từ để dành cho những lời lẽ vô lương tâm của nó. Nó chẳng để ý gì đến những lời nói đó. Vì lúc ấy, lòng nó tràn đầy giận dữ. Nó không hề để ý đến cảm xúc của mẹ. Không thể hiểu hết được cái giá trị của tình thương… Và cũng đâu hiểu được, sau sự thật ấy là cả một nỗi buồn u uất mà suốt đời bà mẹ dám hy sinh, dám đối mặt để cho con một hình hài như bây giờ. Nó chỉ muốn thoát ra khỏi nhà để không còn liên hệ gì với mẹ nữa. Bỏ mặc người mẹ già cô đơn, đau đớn… Bà nín thinh. Bà không dám gọi một tiếng con để mong chờ nó quay lại. Bà chỉ biết giấu nỗi buồn qua những giọt nước mắt chảy ngược vào tim…

          Với cái ý nghĩ đó, nó cố gắng học hành thật chăm chỉ. Và sau cùng, nó có được một học bổng để đi học ở Singapore. Chắc hẳn, nó hạnh phúc lắm! Niềm vui khi đạt được nguyện vọng mà chính mình đặt ra. Sung sướng khi được đền đáp bởi những nỗ lực không ngừng. Nó đâu biết, bên cạnh niềm vui ấy, còn đâu đó những nỗi buồn đọng lại trong kí ức người mẹ… Đâu đó những nỗi lòng thổn thức không thể cất lên thành tiếng.

          Sau 5 năm, nó - đứa trẻ ngày nào, giờ đây đã trở thành người thành đạt với một công việc ổn định và một gia đình nhỏ. Vợ anh ta là con nhà gia thế. Anh ta giấu vợ về bà mẹ của mình và nói dối mình mồ côi từ nhỏ. Anh ta hài lòng với mái ấm nhỏ và những tiện nghi vật chất có được ở Singapore. Anh ta cũng gửi tiền về xây cho mẹ một ngôi nhà nhỏ và hàng tháng gửi chút tiền về cho mẹ. Cứ như vậy, anh ta tự nhủ thế là mình đã làm tròn bổn phận của người làm con. Giữa anh với mẹ có một giao ước rằng anh ta không bao giờ muốn gặp bà mẹ… Không bao giờ muốn nhìn thấy bà mẹ trên cõi đời này nữa… “HÃY TRÁNH XA TÔI RA”…

          Và rồi một ngày, khi nỗi nhớ trong lòng bà mẹ dâng lên cồn cào. Bà không thể chịu đựng được nữa. Bà quyết định sang Singapore bằng được để được nhìn thấy đứa cháu nội lớn lên như thế nào, để được một lần cuối trông thấy hình hài đứa con trai nay giờ ra sao. Chỉ một lần thôi… Và cũng là lần cuối.

          Đứng trước cái cổng cao lớn và sang trọng nhà người con trai. Bà thầm vui, thầm mỉm cười vì con mình giờ đây thành đạt và yên ấm đến thế nào. Trước cái cổng đồ sộ với những đường nét thiết kế tinh xảo và tuyệt đẹp ấy. Người ta thấy một bà lão già nua, ốm yếu. Bịt một bên mắt. Tay cầm chiếc nón lá với bộ quần áo đơn sơ trông thật thảm thiết. Đó là một sự đối lập hoàn toàn…

         Chợt có đứa cháu nhỏ chạy ra. Nhưng đau đớn thay, bà còn chưa kịp vui, chưa kịp hồ hởi và mừng rỡ thì đã phải kìm nén những giọt nước mắt mặn đắng khi đứa cháu khóc thét lên và sợ hãi với hình dạng của bà. Rồi người con từ trong nhà bước ra, ngạc nhiên và phần nào bực tức, phần nào sợ vợ sẽ biết chuyện. Anh ta quát mắng: “Sao bà dám đến đây làm con tôi sợ thế? Bà đã làm tôi xấu hổ và tủi nhục đến thế nào rồi. Giờ bà không buông tha cho tôi? Không để tôi có một cuộc sống bình yên nữa sao? Đi khỏi đây ngay!”. Thế đấy… Đó là những gì bà chờ đợi và mong mỏi thì giờ đây lại bị đối xử như vậy đấy! Bà ngoảnh lại và chỉ nhỏ nhẹ trả lời: “Ồ, xin lỗi, tôi nhầm địa chỉ!” và lặng lẽ quay đi… Trong lòng không khỏi những nỗi đau xót. Bà bước đi… Vẫn cứ bước… Những bước chân lê thê dài vô định… Từ đó, anh ta không thèm liên lạc với bà trong suốt một thời gian dài.

          Một hôm, anh ta nhận được thư gửi tới nhà, mời về họp lớp cũ tại Việt Nam. Anh ta phải nói dối vợ là đi công tác xa nhà. Bà mẹ biết tin con về họp lớp tại quê nhà. Bà vui lắm… Nhưng không dám gặp con. Bà sợ bị con hắt hủi, sợ cái ánh mắt tức giận ghê gớm ấy lại hiện lên trong con. Trong suốt buổi họp lớp đó, có những người bạn thân hỏi han anh ta về gia đình và về “mẹ”. Chợt… Những kí ức lại ùa về. Những yêu thương nào đâu đã vút bay theo năm tháng. Mẹ anh giờ ra sao? Mẹ anh như thế nào? Bà sống tốt hay bệnh tật gì không?… Hàng tá những câu hỏi. Những thắc mắc khiến anh không khỏi suy nghĩ. Và… Anh nhớ… Và có chút đau… Anh vội vã về thăm mẹ. Anh muốn được nhìn thấy mẹ. Muốn… Và có những cái muốn chẳng thế diễn tả thành lời…

          Nhưng nào ngờ, khi chưa kịp nói ra những nỗi lòng thổn thức, chưa kịp ôm hôn mẹ lần cuối, mẹ anh đã qua đời. Bà đã vĩnh viễn ra đi…

          Mấy người hàng xóm nói rằng, mẹ anh đã mất vài ngày trước đó và do không có thân nhân nên Sở An sinh xã hội đã lo mai táng chu đáo. Họ trao lại cho anh một lá thư mẹ viết. Họ cũng nghẹn ngào… Họ nói, mẹ anh khi chết, tay vẫn nắm chặt tờ giấy và ghi rõ rành mạch: “Phải gửi con trai tôi...”. Đó cũng là lời trăn trối cuối cùng của mẹ dành cho anh…

           “Con trai yêu

          Mẹ xin lỗi vì đã không đem đến cho con những tháng ngày bình yên thuở bé… Mẹ xin lỗi vì đã làm trò cười cho thiên hạ khiến con lún sâu vào vòng quay của sự tủi nhục và đau đớn. Mẹ muốn lắm. Muốn ra đi. Muốn sống ở thế giới khác. Để cho con khỏi lo phiền, khỏi bực tức khi mẹ còn trên cõi đời nữa… Và giờ mẹ đã được toại nguyện.

          Con biết không? Mẹ yêu con nhiều lắm! Mẹ có thể đánh đổi, có thể hi sinh đôi mắt của mình dành cho con… Hy sinh cuộc sống của mẹ để cho con được thấy ánh sáng mặt trời…Con đã bị hỏng một bên mắt do một vụ tai nạn hồi bé… Mẹ thật sự khóc rất nhiều… Khóc vì đứa con tôi không mang hình hài nguyên vẹn như những đứa trẻ cùng lứa. Nhà mình nghèo lắm. Mẹ không thể có đủ tiền chữa trị cho con. Mẹ bán hết tất cả những đồ đạc trong nhà, làm mọi cách để bác sĩ thay mắt cho con. Mẹ chưa bao giờ cảm thấy hối hận, chưa bao giờ biết đau. Mẹ rất hãnh diện vì con đã nên người. Mẹ cũng kiêu hãnh về những gì mẹ đã làm được cho con. Mẹ yêu con không thể nào kể xiết. Và mẹ muốn đem lại cho con những gì tuyệt vời nhất mà mẹ có thể. Con đã nhìn thấy cả một thế giớ mới, bằng con mắt của mẹ, thay cho mẹ.

          Hi vọng khi mẹ rời xa con rồi. Đừng xa lánh. Đừng ruồng rẫy ghét bỏ mẹ nữa nhé! Con hãy sống tốt và chăm lo những đứa cháu nội nhé.

          Mẹ yêu con lắm!”

          Cầm trên tay lá thư… Anh khóc!… Đó là những giọt nước mắt thật sự. Nó không chứa đựng tủi nhục. Không phải là vì lòng tự tôn như trước nữa, mà bằng cả con tim, bằng cả nỗi đau đớn… nỗi oán hận bản thân khi đã đối xử tệ bạc với mẹ… Và chắc gì… Người mẹ của anh đã ra đi trong sự thanh thản mà bà hằng mong ước… Ra đi, nhưng chưa được nghe thấy tiếng con gọi… Ra đi, mà trong lòng nặng trĩu những uất ức… Ra đi… Mãi mãi. Sẽ chẳng có sự hồi sinh lần nào nữa. Sẽ chẳng có một ai… thương yêu anh ta… Và dám đánh đổi tất cả để cho con một cuộc sống tốt đẹp sau này.

          Đôi mắt của anh… Cũng là đôi mắt của mẹ. Ánh sáng của anh… Cũng là bóng tối của mẹ. Trong khi anh được nhìn thấy cuộc sống mới thì cũng chính là lúc anh mất đi tất cả… Mất rồi… Sẽ chẳng bao giờ lấy lại được đâu… Vì vậy! Hãy trân trọng những người trước mặt, trân trọng những gì mà ta có. Để rồi mất đi đừng bao giờ hối tiếc.

          Xã hội ngày càng phát triển, nhiều giá trị văn hóa cũng vì thế mà thay đổi. Có lẽ, người đàn ông trong câu chuyện trên đã rơi vào hoàn cảnh như thế với tột cùng nỗi đau và sự day dứt. Tài sản lớn nhất bà để lại cho con chỉ là một bức thư ngắn ngủi với lời giải thích về con mắt “khác thường” của mình. Trong bức thư cuối cùng để lại ấy, sự hy sinh và yêu thương của người mẹ hiện rõ lên trong từng con chữ. Lý giải bất ngờ về việc chỉ có một “con mắt” khiến cho nhiều người không khỏi xúc động. Bà đã chấp nhận mọi nỗi đau, gánh lấy sự “xấu xí, bất thường” thay cho chính con trai của mình. Sự hy sinh ấy của bà, cho tới tận khi bà rời xa cõi đời mới được biết đến. Thế nhưng, người mẹ tuyệt vời ấy vẫn không có một chút hối hận. Thậm chí bà còn vô cùng tự hào và mãn nguyện trước hạnh phúc của con trai. Cho dù suốt bao nhiêu năm, sự hy sinh ấy của bà chưa bao giờ được nhìn nhận, đền đáp.

          Trên đời này, không ai có thể thay thế được mẹ. Mẹ là người luôn yêu thương, hy sinh và cống hiến cả cuộc đời cho mỗi đứa con. Mẹ chính là chiếc chìa khóa giúp ta mở ra cánh cửa chứa đựng những điều kỳ diệu, giúp ta vững bước trên con đường còn nhiều gian nan phía trước. Đây là lời thức tỉnh đến với thế hệ trẻ, thế hệ trưởng thành nhờ dòng sữa mẹ những lại sống quá vô tình, bỏ quên những đạo đức làm người, bỏ quên những truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Đó là truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” là “con chim có tổ, con người có tông”, là đạo hiếu của người Việt. Mỗi chúng ta dù đi đâu làm gì, cũng không được phép quên đi người đã cho ta hình hài sự sống như này hôm nay. Với mỗi người con, mẹ đã đánh đổi cả cuộc đời để lo cho ta, dõi theo từng bước đi của ta dù thành công hay thất bại. Chúng ta được tồn tại đến ngày hôm nay, có một gia đình nhỏ, mỗi người cần phải biết ơn mẹ dù mẹ không cần chúng ta phải trả ơn cho bà. Bởi mẹ chỉ cần con cháu được khỏe mạnh, vững tin trên đường đời, không đòi hỏi gì và chưa bao giờ quay lưng với con cái. Vì vậy, hãy trân trọng người trước mặt, trân trọng những gì mà ta có bởi có những thứ mất đi rồi thì không thể lấy lại được đâu. 

Cao Thị Nhung