TÀI BA CỦA LUẬT SƯ

Tài ba của Luật sư cố gắng trang bị một cách căn bản kỹ thuật phân tích vụ việc cho các luật sư bắt đầu bước chân vào nghề, đó là một công cụ vô hình nhưng được cố gắng mô tả cho thành dễ hiểu qua hình ảnh con dao, cái kéo, cục đá, cây dù, cái lưới và cái nồi...

          Luật sư Nguyễn Ngọc Bích (sinh năm 1945), tốt nghiệp cử nhân Trường Luật Sài Gòn năm 1972 và thạc sĩ luật Trường Đại học Luật Harvard; hiện nay, ông làm việc tại Văn phòng luật D.C Law tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trong giới doanh nhân và luật sư, người ta nhắc đến ông với niềm ngưỡng mộ. Cùng nhóm nhân sĩ trí thức đóng góp đáng kể vào công cuộc đổi mới kinh tế, những cuốn sách và bài báo sắc bén của luật sư Nguyễn Ngọc Bích về kinh doanh, giáo dục, triết học… đã trở thành cẩm nang của nhiều độc giả. Với “Mỗi tuần một cuốn sách” lần này muốn giới thiệu tới bạn đọc cuốn “Tài ba của Luật sư”. Sách “gối đầu” cho những ai muốn trở thành Luật sư do tác giả, Luật sư Nguyễn Ngọc Bích viết (NXB trẻ Tp. HCM - 2010 dài hơn 400 trang)

           Cuốn sách được thiết kế gồm bốn phần. Phần một với bốn chương, tác giả khái quát nguyên lý cách tiếp cận luật pháp của luật sư hay suy nghĩ kiểu luật sư – một dụng cụ có mục đích đưa thực tế vào luật pháp để cho luật pháp điều chỉnh thực tế. Suy nghĩ kiểu luật sư là phương pháp thuyết phục người khác để họ chấp nhận và ủng hộ lập luận của mình; nó là sự vận dụng luật. Nó phải rõ ràng, mạch lạc về mặt lý trí và phải phù hợp với tình cảm chung. Để làm thì bạn phải hiểu luật, có khả năng phân tích và lập luận dựa trên kiến thức về vụ việc của mình.

          Phần hai cuốn sách tập trung làm rõ phương pháp suy nghĩ kiểu luật sư thông qua câu hỏi pháp lý để giải quyết vụ việc. Mỗi một vụ việc bị tranh chấp đều mang trong nó một vài sự kiện và có một hoặc nhiều câu hỏi pháp lý. Câu hỏi đó phải có câu trả lời thì vụ việc mới giải quyết được theo luật pháp. Câu hỏi ấy xuất phát từ một sự kiện mấu chốt được áp vào một điều luật tương ứng và nó thường liên quan đến bổn phận hoặc nghĩa vụ. Đây là một cố gắng về mặt lý thuyết được tác giả đúc rút trên cơ sở kinh nghiệm và thực tế. Luật sư giỏi hay không chính là tìm được sự kiện mấu chốt và đặt ra được câu hỏi pháp lý một cách nhanh chóng chứ không phải là nhớ luật. Điều này hoàn toàn khác với cách giải đáp pháp luật tức là họ đưa ra luật trước rồi mới giải đáp vấn đề mà độc giả hỏi.

           Phần ba gồm hai chương. Trong phần này, tác giả đưa ra các tình huống thuộc các ngành Luật khác nhau để người đọc thực tập. Đối với mỗi vụ việc, người đọc sẽ suy nghĩ theo các bước đã được giới thiệu ở hai phần đầu, tìm ra câu hỏi pháp lý và sau đó kiểm lại với lời đề nghị của tác giả để giải đáp đề nghị.

          Phần bốn cũng là phần cuối của cuốn sách được tác giả xác định là phần mở rộng kiến thức. Tác giả chỉ ra sự khác biệt từ nguồn gốc hình thành, cách dẫn chứng, thủ tục tố tụng của hệ thống Dân luật và Thông luật từ đó chỉ ra sự khác biệt về nội dung các khái niệm trong các văn bản luật, phương pháp tư duy khi giải quyết vụ việc của hai hệ thống này.

          Có thể nói, tác giả Nguyễn Ngọc Bích đã rất thành công trong Tài ba của Luật sư khi chỉ ra các kỹ năng cần có đối với một luật sư giỏi đó là khả năng phân tích các sự kiện, các vấn đề trong các tình huống, hoàn cảnh khác nhau và kết nối chúng với luật pháp tương ứng. Tài ba của Luật sư cố gắng trang bị một cách căn bản kỹ thuật phân tích vụ việc cho các luật sư bắt đầu bước chân vào nghề, đó là một công cụ vô hình nhưng được cố gắng mô tả cho thành dễ hiểu qua hình ảnh con dao, cái kéo, cục đá, cây dù, cái lưới và cái nồi...Trên cơ sở kinh nghiệm thu thập trong khi hành nghề và do những kỷ niệm vất vả khi học ở Mỹ, các sách về đề tài này ở Anh, Mỹ, Pháp, Nguyễn Ngọc Bích đã đưa ra phương pháp “suy nghĩ kiểu luật sư” và mong sao cho các luật sư đi sau đỡ vất vả. Hy vọng cuốn sách này sẽ giúp ích nhiều cho các bạn trên con đường trở thành một luật sư giỏi./.

Thu Phương