Đọc: "Nhớ về Thầy" của Trịnh Trúc Lâm

Nhà giáo nhân dân Trịnh Trúc Lâm là cây đại thụ trong làng nghề giáo dục tỉnh Thái Nguyên, ông là nhà giáo được nhiều thế hệ học trò quý mến và xã hội kính trọng. Nhưng để có được nhân cách như vậy, ông cũng bắt đầu học từ chính người thầy của mình. Trung tâm NC và TVPL xin giới thiệu tác phẩm "Nhớ về Thầy" của ông đăng trên báo Văn nghệ Thái Nguyên (điện tử) để bạn đọc tham khảo.

     

 

VNTN - Hồi ấy, cả lớp sinh viên Khoa Địa lý chúng tôi đều gọi thầy là “bố Sơn”. Bởi lẽ, thầy Hoàng Thiếu Sơn không chỉ là chủ nhiệm lớp mà còn là người thầy rất gần gũi chan hòa với chúng tôi. Hơn nữa, tuy tuổi đã ngoài 50 nhưng thầy vẫn chưa có gia đình riêng, nên xưng hô với thầy như vậy, chúng tôi ai nấy đều ngầm mong khỏa lấp được phần nào sự trống trải trong thầy, và xem ra điều đó cũng làm thầy cảm thấy ấm lòng…

          Từ khi tôi ra trường, đi dạy học, rồi đến nay tuổi đã gần 80, thời gian qua đi càng làm cho tôi nghiệm ra một điều rằng: thầy Hoàng Thiếu Sơn không chỉ là người thầy dạy chúng tôi khi đang học, mà tấm gương và nhân cách của thầy còn theo trong tôi trước mỗi giờ lên lớp và trong suốt cả cuộc đời mình.

          Tôi không bao giờ quên lời thầy căn dặn: Đã làm thầy giáo thì phải thực lòng yêu nghề, quí trò và phải tự học, có học mới dạy tốt được, và chính thầy là gương sáng về điều đó.

          Tôi vẫn nhớ những lời thầy tâm sự với chúng tôi về thời trai trẻ của mình: Mình sinh năm 1922, tốt nghiệp tú tài từ hồi Pháp thuộc. Cách mạng Tháng Tám thành công, rồi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, hưởng ứng lời kêu gọi của Cách mạng, mình tham gia hoạt động từ ngày ấy. Năm 1946, mình công tác tại Bộ Giáo dục, đã được làm đến chức “Chánh Đổng lý văn phòng Bộ”. Nhưng làm việc không bao lâu, tự thấy đi dạy học phù hợp với mình hơn là ngồi làm việc ở văn phòng, nên mình làm đơn xin đi dạy học. Năm 1950, mình đã được cử về dạy ở trường Trung học Lương Ngọc Quyến Thái Nguyên, rồi tiếp tục đi dạy ở một số trường khác ở Bắc Giang, Phú Thọ.

            Năm 1954, sau khi hòa bình lập lại, mình được cử về dạy ở khoa Địa lý trường Đại Học Sư phạm. Hồi đó những môn khoa học tự nhiên còn có sách dịch của Liên Xô, nhưng những môn địa lý tự nhiên, địa lý kinh tế Việt Nam thì tự mình phải nghiên cứu và biên soạn lấy giáo trình để dạy và biên soạn sách cho sinh viên học…

            Cùng với kiến thức uyên thâm, thầy có “khiếu” truyền thụ rất có duyên, hết sức lưu loát và cuốn hút; chẳng thế mà có lần mấy anh chị sinh viên Khoa Văn rủ nhau sang lớp tôi ngồi “học trộm”. Có lẽ, thầy cũng nhận ra nhưng chỉ nhìn họ rồi mỉm cười và vẫn tiếp tục giảng bài….

            Thầy có trí nhớ tuyệt vời, khi giảng bài thầy nêu vanh vách những địa danh với bao con số mà không cần nhìn giáo án. Khi dẫn sinh viên chúng tôi đi thực địa, đến dâu thày cũng kể ngọn nguồn lai lịch từng vùng như thể là người địa phương vậy. Thầy nói với chúng tôi: Dạy địa lý cần phải nhớ nhiều hiện tượng, địa danh, số liệu ở nước ta cũng như ở các nước trên thế giới, muốn vậy ta phải luyện trí nhớ các anh chị ạ. Thế rồi Thày truyền cho chúng tôi “phép” luyện trí nhớ: “sáng ra ta cứ ghi một con số bất kì nào đó vào sổ, đến trưa và chiều ta bắt óc nhớ lại con số đã ghi và giở sổ xem có đúng hay không, cứ luyện nhớ từ 1, 2 con số rồi dần dần nhiều con số”. Chúng tôi ai cũng thích thú và kiên trì làm theo “bài” luyện trí nhớ đó của thầy.

              Thầy Hoàng Thiếu Sơn tuy không có học vị cao như các thầy bây giờ, nhưng thầy có uy tín lớn với bao thế hệ sinh viên và đồng nghiệp thời đó. Ngoài kiến thức dồi dào về chuyên môn, thầy còn tự trau dồi thêm vốn ngoại ngữ để trở thành một dịch giả văn học nổi tiếng. Thầy đã từng dịch nhiều tác phẩm kinh điển của nước ngoài như: Những linh hồn chết của đại văn hào Nga Gogol, Những tấm lòng cao thượng của nhà văn Ý Edmondo De Amicis, Cuộc lữ hành kỳ diệu của nhà văn Thụy Điển Nilx Holyerxon và cùng với dịch giả Cao Xuân Hạo dịch tác phẩm nổi tiếng Chiến tranh và hòa bình của đại văn hào Nga L. Tônxtôi… Đặc biệt, thày đã có công dịch và giới thiệu tác phẩm Số đỏ của nhà văn Vũ Trọng Phụng ra thế giới.

             Được nhiều người nể phục, nhưng thầy hết sức giản dị mà không phải là lập dị! Điều đó không chỉ thể hiện qua bộ quần áo bình dân thầy mặc hoặc chiếc mũ lá rộng vành thầy đội hàng ngày. Phương tiện của thày là tầu điện (nếu ở Hà Nội) và đôi chân. Biện minh cho việc không chịu tập đi xe đạp của mình, thầy nói vui với chúng tôi: Đi bộ dễ “lái” hơn, hay: Ngồi tầu điện mới tiện đọc sách!

            Tôi còn nhớ một lần, theo lời mời của Hội Phụ nữ Hải Phòng, thầy xuống đó để diễn thuyết về đề tài Sinh đẻ kế hoạch. Khi về trường, gặp chúng tôi hỏi han, thầy cười ngặt nghẽo rồi nói: Buồn cười thật, hơn bảy trăm bà mẹ, ngồi chật cả rạp để nghe một anh chàng chưa có vợ con nói về chuyện ấy mà cứ im phăng phắc… Nét hóm hỉnh và thông minh của Thầy như thế thì làm sao mà chúng tôi không nhớ mãi.

          Thế rồi trưa hôm ấy, khi đang xem tivi, tôi bỗng bàng hoàng cả người khi nghe đài thông báo tin buồn -Nhà giáo Nhân dân, Nhà nghiên cứu và là dịch giả văn học Hoàng Thiếu Sơn đã tạ thế hồi 9 giờ sáng ngày 14 tháng 12 năm 2005 tại nhà riêng T6 ngõ 190 phố Lò Đúc, Hà Nội…Tôi vội vã ra ngay bến để đáp xe về Hà Nội chịu tang thầy. Tới nơi đã gặp rất đông học trò của thầy, ai nấy đều đeo băng đen trước ngực, nước mắt lưng tròng. Tôi được bạn kể lại về hình ảnh cuối cùng của thầy: Lúc sáng, Thầy vẫn đang còn nằm trên võng đọc sách, do huyết áp tăng cao đột biến, thế là Thầy đi... và Thầy vẫn nằm như thế trên võng, tay vẫn cầm quyển sách đang đọc dở”.

            Sắp đến Ngày Nhà giáo Việt Nam, nhớ thầy, tôi lại ngồi lặng ngắm thầy qua bức chân dung cũ, mái tóc thầy bạc trắng, khuôn mặt đôn hậu hiền từ, miệng vẫn mỉm cười như thể đang nói với chúng tôi một điều gì đó rất vui….

           Thầy ơi!

                                                                                                                                                                   NGND. Trịnh Trúc Lâm

                                                                                                                                                                  (Theo: Văn nghệ Thái Nguyên)

Thành Kiên