GIỚI THIỆU CUỐN SÁCH: TIỀN KHÔNG MUA ĐƯỢC GÌ?

“Có những thứ không thể mua được bằng tiền. Nhưng vào thời đại này, con số đó không nhiều”.

Bìa sách

          Tiền không mua được gì? của tác giả người Mỹ Michael J. Sandel - cuốn sách mà bạn đọc không thể bỏ qua. Một câu hỏi lớn được đặt ra ngay ở tiêu đề của cuốn sách khiến chúng ta không thể không quan tâm. “Có những thứ không thể mua được bằng tiền. Nhưng vào thời đại này, con số đó không nhiều”. Vậy đã bao giờ bạn tự đặt ra cho mình câu hỏi: liệu tiền có thể mua được tất cả và dùng để thỏa thuận mọi thứ hay chưa? Tiền có thể mua được những gì và không mua được những gì? Chắc hẳn sau khi đọc cuốn sách này, chúng ta sẽ tìm ra được câu trả lời cho mọi thắc mắc đó. Giữa có và không, giữa tất cả và không có gì là một ranh giới thật mong manh như ranh giới của sự sống và cái chết, giữa âm và dương vậy.

          Michael J. Sandel (sinh 1953) là giáo sư ngành triết học chính trị tại Đại học Harvard, nổi tiếng với môn Công lý vì thu hút số sinh viên kỷ lục, hơn 10.000 người học trong hai thập niên. Là thành viên trong Ủy ban đạo đức sinh học của Tổng thống Bush. Sandel cũng thường xuất hiện trên truyền thông về các vấn đề đạo đức, mà theo ông cũng chính là chính trị.

          Trong Tiền không mua được gì? thì mối quan hệ giữa đạo đức và kinh tế được truyền tải một cách nhẹ nhàng, uyển chuyển và dí dỏm. Tác giả đã đưa ra nhiều ví dụ, nhiều thông tin trong quá trình đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: Tiền mua được những gì và không mua được những gì? Đây là cuốn sách thú vị mà mọi độc giả nên đọc. Sandel đặt ra một trong những câu hỏi về đạo đức quan trọng nhất của thời đại chúng ta: có vấn đề gì đang xảy ra với thế giới này khi mọi thứ đều có thể mua được bằng tiền? Làm sao chúng ta có thể ngăn các giá trị thị trường khỏi xâm nhập vào những lĩnh vực của đời sống vốn không bị chi phối bởi các giá trị thị trường? Đâu là giới hạn đạo đức của thị trường?

        Trong những thập niên gần đây, các giá trị thị trường ngày càng lấn át các chuẩn mực phi thị trường trong hầu hết các mặt đời sống. Sandel lập luận rằng, nếu chúng ta không sớm nhận ra điều này, chúng ta sẽ biến từ có một nền kinh tế thị trường sang trở thành một nền kinh tế thị trường.

          Mở đầu cuốn sách đầy thú vị này, tác giả Michael J. Sandel đã liệt kê cho người đọc một loạt cách tiêu tiền “lạ lùng” vào “mới mẻ”. Chẳng hạn: nâng cấp phòng giam là 82 dollar một đêm; các tội phạm không liên quan đến bạo lực thì được phép trả tiền để có thể có phòng giam sạch sẽ, yên tĩnh, cách xa phòng của những tội phạm không trả tiền; xe chỉ có một người chạy trên làn đường dành cho nhiều người với 8 dollar vào giờ cao điểm; 777 dollar cho trán để xăm các thông điệp quảng cáo hay 18 dollar cho quyền “thải 1 tấn carbon vào khí quyển”… Và đắt đỏ hơn một chút, với 150.000 dollar để bạn có thể bắn một con tê giác đen – loài động vật đang có nguy cơ tuyệt chủng. Việc cho con nhập học vào một trường đại học danh tiếng, ban lãnh đạo một số trường hàng đầu Thế giới cho biết: họ chấp nhận một số sinh viên không xuất sắc lắm nếu cha mẹ của sinh viên này sẵn lòng đóng góp một khoản tiền đáng kể cho trường. Còn nếu bạn cần tiền thì có thể thử một vài cảm giác mới lạ: đóng vai chuột bạch cho các công ty dược phẩm để thử nghiệm tính an toàn của thuốc trên cơ thể người với 7.500 dollar. Nếu bạn bị béo phì, giảm được 6,5kg trong 4 tháng thì bạn sẽ được 378 dollar. Đánh thuê ở Somalia và Afghanistan bạn được trả từ 250 dollar một tháng đến 1.000 dollar một ngày tùy thuộc vào trình độ, kinh nghiệm hay quốc tịch. Còn nữa, người mua vé máy bay hạng thương gia lên máy bay mà không cần xếp hàng, có thể bỏ tiền để chen hàng cho người nhà mình vào phòng mổ cấp cứu hay bỏ tiền để mua bộ phận cơ thể người khác cấy vào cơ thể mình…

          Trong lời tựa của cuốn sách, giáo sư Ngô Bảo Châu đã viết: chúng ta đã quen và bị thuyết phục bởi nền kinh tế thị trường. Thông qua giá, thị trường điều phối tài nguyên quý hiếm để phục vụ xã hội một cách tốt nhất. Ai sẵn sàng bỏ nhiều tiền nhất để mua một cái gì đó sẽ là người sử dụng nó hiệu quả nhất. Nhưng sâu thẳm trong lòng mình, chúng ta cũng tin rằng tiền không thể mua được tất cả mọi thứ, nó không mua được danh dự, không mua được sự sống và cái chết. Nhưng đâu là ranh giới giữa những cái gì có thể mua được bằng tiền và những gì thì không. Trong Tiền không mua được gì?, tác giả cung cấp những cơ sở triết học, những lập luận căn bản để mọi người tự xác định ranh giới cho chính mình. Có những thứ mà khi ta coi nó như một mặt hàng có thể mua đi bán lại tức là ta đã hủy hoại giá trị làm nên bản chất của nó.

          Tác giả đã chỉ ra rằng, người ta không chỉ mua bán ở chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, thị trường chứng khoán… Giờ đây, thị trường bước ra cuộc đời. Nói cách khác, cuộc sống biến thành một thị trường khổng lồ, nơi đồng tiền luân chuyển khắp nơi và từng giờ tạo ra những thay đổi ít ai lường trước được. Có công việc tốt không phải do năng lực mà do tiền. Thậm chí, tình cảm gia đình, tình yêu cũng bị đồng tiền chi phối. Có vẻ như niềm tin dần đổ vỡ khi tiền đang thâu tóm được hết mọi thứ.

          Các chuyên gia đánh giá: Tiền không mua được gì? là một cuốn sách mà các nhà kinh tế học nên đọc. Cuốn sách có những ví dụ thú vị buộc chúng ta phải suy tư. Có vị còn cho biết là: “tôi đã đọc từ đầu đến cuối cuốn sách này trong chưa đầy 2 ngày và tôi đã ghi chú vào sách nhiều hơn bất cứ cuốn sách nào tôi từng đọc trong nhiều năm qua”.

          Trong Phải trái đúng sai, Sandel đã cho thấy khả năng bậc thầy trong việc mô tả một cách sáng tỏ mà hùng hồn những vấn đề đạo đức hóc búa mà chúng ta phải đối mặt trong cuộc sống hàng ngày. Giờ đây, trong Tiền không mua được gì?, tác giả lại một lần nữa làm dấy lên cuộc tranh luận mà kỷ nguyên do thị trường định hướng của chúng ta chưa nghĩ tới, đó là: vai trò đích thực của thị trường trong một xã hội dân chủ là gì, và chúng ta phải làm gì để bảo vệ các giá trị đạo đức mà thị trường không coi trọng và tiền không thể mua được?

          Ở Việt Nam, chúng ta từng sống qua thời kỳ không phải muốn gì là có thể mua nấy mà phụ thuộc vào tem phiếu. Khi thị trường chưa mở, việc tiêu tiền bị kìm hãm. Còn ngày nay, Việt Nam bắt kịp thế giới ở chỗ tiền mua được hầu như mọi thứ. Nhưng đến lúc đó, khó khăn khác lại nảy sinh: không có tiền, hoặc ít tiền, thì phải làm sao?

          Đó chính là vấn đề mà Sandel đã đúc rút ra từ xã hội Mỹ. “Trong một xã hội mà mọi thứ đều mua bán được, những người càng ít của cải thì cuộc sống càng khó khăn”. Đó chính là sự bất công mới. Đi kèm là gì? Tham nhũng. Tiền đã hấp dẫn, tiền chùa càng hấp dẫn hơn. Không phải tất cả người giàu đều tham nhũng, nhưng việc họ dùng tiền để cho mình những đặc quyền hơn hẳn người khác cũng không ai cấm được. Và chính điều đó lại gây ra hố sâu về đẳng cấp trong xã hội.

          Viết cuốn sách này, tác giả Sandel gọi thời nay là “kỷ nguyên tôn vinh thị trường”. Ông lo ngại khi đồng tiền từ vị trí chỉ là phương tiện nay đã trở thành động lực và chi phối con người. Con người phải làm gì? Tiền sẽ không mua được gì? Đọc xong cuốn sách, dù chúng ta chưa thể có câu trả lời trọn vẹn cho những câu hỏi này nhưng ít ra mỗi người cũng nhận thức được rằng đặt ra câu hỏi này là vô cùng cần thiết. Và nếu chúng ta không đặt nó ra, không tranh cãi để đi đến một ranh giới mà cộng đồng, xã hội chấp nhận thì rất có thể thị trường sẽ quyết định hộ chúng ta.

         Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn pháp luật xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc cuốn sách Tiền không mua được gì? của Michael J. Sandel, bản tiếng Việt do Nguyễn Diệu Hằng dịch, nằm trong tủ sách Cánh cửa mở rộng, hợp tác giữa giáo sư Ngô Bảo Châu, nhà văn Phan Việt và NXB Trẻ. Hãy đọc và cùng suy ngẫm!

Cao Thị Nhung